Nhìn lại 'chặng đường đen tối' Ấn Độ vượt mốc 20 triệu ca COVID-19

Theo số liệu trên trang mạng Worldometer, tính đến trưa 4/5 (giờ Việt Nam), Ấn Độ đã trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới sau Mỹ có tổng số ca mắc COVID-19 vượt 20 triệu, trong đó có ít nhất 220.000 trường hợp tử vong.

Chú thích ảnh
Ấn Độ vượt ngưỡng 20 triệu ca mắc COVID-19. Đồ họa TTXVN

Hồi tháng 2, với đường cong dịch tễ đi xuống khi số ca mắc hàng ngày giảm gần 90% so với đỉnh điểm của làn sóng đầu tiên vào năm ngoái, Ấn Độ dường như đã kiểm soát thành công đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, đến đầu tháng 3, số ca bệnh tăng chóng mặt với cấp số nhân.

Ấn Độ đang phải trải qua đợt dịch bùng phát tồi tệ nhất. Thảm kịch nghiêm trọng hiển thị rõ nét qua các số liệu thống kê. Theo hãng tin AP, số ca mắc mới trong ngày của quốc gia Nam Á này đã tăng gấp 6 lần, từ 65.000 ca lên 370.000 ca và thậm chí là có ngày vượt mốc 400.000 ca. Các chuyên gia và nhân viên y tế địa phương cho biết con số thực sự có thể cao hơn rất nhiều.

Tràn lan trên các phương tiện truyền thông là hình ảnh các gia đình đau buồn trước nỗi mất mát người thân. Các giàn hỏa táng luôn đỏ rực lửa cả ngày lẫn đêm. Các bệnh viện cạn kiệt vật tư y tế cơ bản, vô số bệnh nhân tử vong do thiếu ôxy. Người dân tuyệt vọng chạy từ bệnh viện này sang bệnh viện khác để tìm cho người thân mắc COVID-19 giường bệnh điều trị.

Chính phủ Ấn Độ đã rất nỗ lực để ứng phó với cuộc khủng hoảng. Các quốc gia trên thế giới cũng liên tục cung cấp hàng viện trợ. Nhưng hiện tại, làn sóng dịch vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm và các chuyên gia cảnh báo nó có thể trở nên tồi tệ hơn. 

Chú thích ảnh
Giàn hỏa táng người tử vong do COVID-19 luôn đỏ rực lửa ngày lẫn đêm tại Delhi. Ảnh: CNN

“Tôi sợ rằng đây chưa phải là đỉnh dịch. Với những số liệu chúng ta chứng kiến, ít nhất còn 2 đến 3 tuần nữa chúng ta mới chạm tới đỉnh dịch”, Tiến sĩ Giridhara R. Babu tại Hội đồng Y tế Công cộng Ấn Độ phát biểu ngày 26/4.

Theo nhận định của các chuyên gia, làn sóng dịch bệnh thứ 2 tàn phá Ấn Độ nặng nề là do người dân chủ quan, lơ là và không phòng bị. Với làn sóng dịch bệnh đầu tiên đạt đỉnh vào tháng 9 năm ngoái và số ca mắc hàng ngày giảm dần trong các tháng tiếp theo, đầu tháng 3, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ tuyên bố nước này đã kiểm soát được đại dịch. Bên cạnh đó, từ tháng 1, Ấn Độ cũng triển khai chương trình tiêm chủng lớn nhất thế giới đầy tham vọng. Các nhà chức trách có phần nới lỏng các quy định phòng dịch như giãn cách xã hội. 

“Không một ai nghĩ đến mức độ tăng số ca mắc chóng mặt như thế này. Khi làn sóng đầu tiên hạ nhiệt, tất cả chúng tôi đều cảm thấy sẽ có gì đó sắp xảy ra. Chúng tôi nhận ra dấu hiệu của làn sóng tiếp theo, song không mường tượng ra được quy mô và mức độ nghiêm trọng của nó”, cố vấn khoa học hàng đầu cho Chính phủ Ấn Độ ông K. VijayRaghavan cho hay.

Chú thích ảnh
Người lao động đeo khẩu trang xếp hàng bên ngoài một nhà ga ở Mumbai. Ảnh: CNN

Cuộc khủng hoảng y tế trở nên tồi tệ hơn do phản ứng chậm chạp từ chính quyền trung ương. Mặc dù một số thủ hiến bang và chính quyền địa phương đã có hành động từ tháng 2, nhưng Thủ tướng Narendra Modi hầu như giữ im lặng về tình hình quốc gia mãi cho đến những tuần gần đây.

Ngày 20/4, Thủ tướng Modi lên tiếng thừa nhận tính cấp bách tình trạng dịch bệnh tại Ấn Độ và triển kahi các biện pháp khẩn cấp nhằm giảm bớt gánh nặng cho các địa phương và bệnh viện. Tuy nhiên, tổn thất vẫn là rất lớn.

Chú thích ảnh
Khung cảnh vắng lặng trên đường phố Mumbai trong thời gian áp dụng lệnh phong tỏa. Ảnh: CNN

Trong làn sóng thứ hai tại Ấn Độ, dịch bệnh không chừa một ai. Đối tượng mắc COVID-19 trải dài đủ mọi nhóm tuổi, bao gồm cả người trẻ.

“Virus SARS-CoV-2 và làn sóng dịch bệnh thứ 2 ảnh hưởng đến các những người trẻ tuổi, thậm chí là trẻ em. Đây là hiện tượng chưa từng xảy ra trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên. Chúng tôi đã gặp những trường hợp 18 ngày tuổi đang hàng ngày chiến đấu trong phòng chăm sóc đặc biệt”, Barkha Dutt – phóng viên tại New Delhi – cho hay.

Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu biến thể virus SARS-CoV-2 phát hiện lần đầu ở Ấn Độ và tiến hành giải trình tự bộ gen để đánh giá tác động của đột biến đối với làn sóng dịch bệnh mới.

Một số chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Ấn Độ gợi ý rằng có thể có một mối tương quan. "Ở Maharashtra, chúng tôi nhận thấy các ca mắc biến thể Ấn Độ tăng lên và làm dấy lên một đợt bùng phát. Hiện tượng tương tự đang diễn ra tại New Delhi", Anurag Agrawal - Giám đốc Viện phân tích Gene và Sinh học tích hợp – phát biểu tại một hội thảo trực tuyến vào tháng 4.

Tiến sĩ Babu nhận định các khu vực đông dân cư ở các thành phố bị ảnh hưởng nặng nề - nơi có nồng độ kháng thể lên tới gần 50% trong đợt dịch đầu tiên hiện vẫn đang ghi nhận tỷ lệ dương tính với COVID-19 là 25%. “Rõ ràng, điều đó có nghĩa là bất kỳ biện pháp bảo vệ nào chống lại biến thể trước đó không thực sự hiệu quả vì biến thể mới hơn lây lan nhanh hơn”, ông Babu kết luận.

Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế đều đưa ra những tuyên bố thận trọng, cho rằng chúng ta chưa đủ dữ liệu để xác nhận liệu biến thể mới có tên gọi B.1.617 thực sự là thủ phạm đứng sau làn sóng dịch bệnh thứ hai tại Ấn Độ hay không.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân mắc COVID-19 dùng đến thiết bị hỗ trợ thở oxy. Ảnh: TTXVN

Cho tới thời điểm hiện tại, mới chỉ có 11,5% trong tổng số 1,3 tỷ dân tại Ấn Độ được tiêm chủng ngừa COVID-19. Mặc dù là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới song Ấn Độ vẫn đang đối mặt với tình trạng không đủ đáp ứng nhu cầu vaccine trong nước.

Trên 13 triệu người trong độ tuổi 18 - 45 đã đăng ký tiêm chủng, nhưng các bang bao gồm các bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Madhya Pradesh và Maharashtra cho biết họ sẽ không bắt đầu tiêm vaccine cho nhóm tuổi này từ ngày 1/5 như kế hoạch do vấn đề nguồn cung. Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal yêu cầu người dân không xếp hàng để tiêm chủng vì vẫn chưa nhận đủ liều lượng.

Các chuyên gia tin rằng Ấn Độ nên đẩy mạnh tiêm chủng ở những khu vực có khả năng lây lan dịch  bệnh cao và ở 5 bang đang tổ chức các cuộc bầu cử. Họ cho rằng để tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho toàn bộ dân số Ấn Độ, quốc gia sẽ phải mất một vài năm.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Viện Serum của Ấn Độ sẽ đầu tư lớn vào các cơ sở tại Anh
Viện Serum của Ấn Độ sẽ đầu tư lớn vào các cơ sở tại Anh

Nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, Viện Serum của Ấn Độ (SII) đang có kế hoạch đầu tư lớn vào các cơ sở tại Anh nhằm thiết lập nền tảng hỗ trợ công tác phát triển vaccine trong tương lai tại quốc gia châu Âu này. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN