Ủy ban cố vấn về vaccine và các sản phẩm sinh học liên quan thuộc FDA đã tiến hành bỏ phiếu - với tỷ lệ 19 phiếu ủng hộ và 2 phiếu chống - về quan điểm cho rằng loại vaccine sử dụng cho các mũi tiêm tăng cường ngừa COVID-19 cần bao gồm các thành phần nhắm mục tiêu đến biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 và các dòng phụ hiện hành của biến thể này.
Tại cuộc họp, các nhà khoa học của FDA bày tỏ mong muốn rằng vaccine ngừa COVID-19 sẽ nhắm mục tiêu đến hai dòng phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 - hiện chiếm ưu thế hơn so với BA.1, dòng phụ đã dẫn đến sự gia tăng đột biến về số ca mắc COVID-19 trong mùa Đông năm ngoái.
Dự kiến, vào đầu tháng tới, FDA sẽ đưa ra quyết định về thành phần của liều tiêm vaccine tăng cường này. Trong khi đó, Tiến sĩ Peter Marks - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá sinh học thuộc FDA - cho biết FDA hy vọng sẽ phát động một chiến dịch tiêm tăng cường với các loại vaccine đã được hiệu chỉnh vào tháng 10 tới. Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Marks nhấn mạnh: "Vaccine càng liên quan tới những dòng biến thể đang lưu hành thì sẽ càng phát huy hiệu quả mạnh mẽ hơn, theo đó khả năng bảo vệ cũng sẽ tốt hơn nhiều".
Tại cuộc họp của FDA, 3 hãng dược phẩm của Mỹ là Pfizer, Moderna và Novavax đã trình bày dữ liệu về các phiên bản vaccine đã được hiệu chỉnh để chống lại sự lây lan dòng phụ BA.1 của biến thể Omicron.
Theo đại diện của Moderna, hãng này đã sẵn sàng cung cấp "vài trăm triệu liều vaccine" được thiết kế để chống lại BA.1 vào tháng 9 tới, trong khi các loại vaccine nhắm mục tiêu mới hơn sẽ có thể được tung ra vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 nếu cần thiết.
Trong khi đó, hãng Pfizer cùng đối tác là công ty BioNTech (Đức) cũng đã hoàn tất bào chế một lượng đáng kể vaccine nhằm vào dòng phụ BA.1 và đang chuẩn bị để sản xuất một lượng lớn vaccine nhắm mục tiêu BA.4 và BA.5. Theo Pfizer, một trong hai loại vaccine nói trên đã sẵn sàng để ra mắt vào đầu tháng 10 tới.
Theo đánh giá của Tiến sĩ Kanta Subbarao - đại diện của Ủy ban cố vấn thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các loại vaccine được bào chế dựa trên BA.1 có thể tạo ra đáp ứng miễn dịch rộng hơn, do dòng phụ này khác biệt so với phiên bản gốc hơn là các dòng phụ khác. Tiến sĩ Subbarao nêu rõ: "Mục tiêu của chúng ta là đạt được khả năng miễn dịch rộng hơn chống lại các biến thể đang lưu hành và mới nổi". Tuy nhiên, bà cũng cho rằng việc cố gắng điều chỉnh vaccine để thích ứng những biến thể nổi trội trong mùa Thu là điều khó khăn, do không thể chắc chắn về quỹ đạo tiến hóa của virus.
Cả Moderna và Pfizer cùng khẳng định vaccine được hiệu chỉnh đặc biệt để nhắm mục tiêu BA.1 của hai hãng này có thể tạo ra phản ứng miễn dịch tốt hơn chống lại biến thể Omicron, so với những thế hệ vaccine trước đó được thiết kế để chống lại phiên bản đầu tiên của virus SARS-CoV-2. Theo hai hãng này, vaccine hiệu chỉnh nói trên cũng cho thấy hiệu quả đối với BA.4 và BA.5, tuy nhiên mức độ bảo vệ không cao bằng đối với BA.1.
Theo kế hoạch, trong ngày 30/6, Liên minh quốc tế các cơ quan quản lý dược phẩm - một nhóm các cơ quan quản lý dược phẩm toàn cầu, bao gồm cả FDA Mỹ - sẽ họp thảo luận về vấn đề điều chỉnh thành phần vaccine ngừa COVID-19.