Hãng tin Nga Ria-Novosti mới đây đã đưa ra nhận định rằng nếu Ukraine muốn giành lại chủ quyền, trước tiên giới chức nước này cần phải thành thật thừa nhận trách nhiệm của mình đối với những gì đã và đang xảy ra ở Ukraine trong suốt 25 năm qua. Ria-Novosti cũng phân tích những gì Ukraine "đạt" được trên con đường hội nhập Liên minh châu Âu (EU) và nguyên nhân khiến nước này tới nay vẫn chỉ toàn nhận trái đắng.Nhân viên cứu hỏa dập các đám cháy tại một số ngôi nhà bị phá hủy do trúng đạn pháo tại quận Kuibishevskiy, gần sân bay ở Donetsk, miền đông Ukraine ngày 20/11/2014. Ảnh: AFP-TTXVN. |
Các sự kiện ở Ukraine trong năm 2014 đã dẫn đến những hậu quả là một nền kinh tế bên bờ vực sụp đổ và xu hướng đòi ly khai ở một số khu vực miền Đông Nam Ukraine. Đã đến lúc cần nghiêm túc nhìn nhận Ukraine được gì và mất gì khi quyết định "hội nhập châu Âu", để từ đó tìm ra căn nguyên gốc rễ của những sự kiện hiện nay ở quốc gia có vị trí địa chính trị đặc biệt này.
Cái giá mà Ukraine phải trả khi Tổng thống Ukraine Petro Oleksiyovych Poroshenko ký kết Hiệp định về hội nhập châu Âu chính là chủ quyền quốc gia bị đánh mất. Bài viết nêu rõ: "Chúng tôi có thể nói rằng sự hội nhập châu Âu của Ukraine đã thất bại thảm hại. Tiến trình liên kết kinh tế với EU bị trì hoãn. "Thành tựu" kinh tế lớn nhất của Ukraine "đạt được", mà ai cũng thấy rõ, chính là: sự sụp đổ của ngành công nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung, phúc lợi xã hội sụt giảm nghiêm trọng, đời sống của người dân trở nên tồi tệ, bấp bênh. Tại những vùng chiến sự, mạng sống còn trở nên mong manh hơn với bao cảnh gia đình ly tán, đói nghèo hoặc tang tóc".
Nhưng hậu quả nghiêm trọng nhất, chính là một đất nước bị mất chủ quyền quốc gia. Thậm chí các phương tiện truyền thông Áo còn viết: Tổng thống Poroshenko coi Ukraine như "một thuộc địa của Mỹ". Bình luận này liệu có quá lời hay không? Câu trả lời dành cho mỗi người tự đánh giá. Chỉ biết một thực tế rằng trong những ngày cuối năm vừa qua, Tổng thống Poroshenko như "chạy đua với thời gian" hối thúc Quốc hội thông qua ngân sách nhà nước 2015 do ông này đề xuất, trong nỗ lực giành được những đồng tiền viện trợ từ phía phương Tây và Mỹ. Để có thể buộc Phương Tây phải mở hầu bao, ông Poroshenko và chính quyền nước này "không ngại" dùng ngân sách Ukraine để phục vụ các quyền lợi của mình, khi dự tính chi mạnh cho quốc phòng trong năm 2015. Nói cách khác, ông Poroshenko sẽ dùng khoảng 5% ngân sách hoặc hơn để phục vụ chiến tranh với những người ly khai ở miền Đông.
Chiếc xe buýt bị phá hủy do trúng đạn pháo tại Donetsk ngày 1/12/2014. Ảnh: THX-TTXVN. |
Hành động này là hợp ý cả phe đối lập lẫn phương Tây, nhưng không lẽ để đảm bảo lợi ích chính trị và kinh tế của mình, Tổng thống Poroshenko và phe phái của ông sẵn sàng mang máu, sinh mạng của đồng bào ra để đánh đổi và thỏa hiệp với nhau.
Một hành động khác mà Kiev đang xúc tiến, đó là bán hàng loạt các doanh nghiệp quốc doanh cho các quỹ đầu tư từ Mỹ hay EU. Bộ trưởng kinh tế Ukraine Aivaras Abromavicius, người Litva (Ukraine thuê để điều hành kinh tế) thay vì tìm cách tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất cho hầu hết các doanh nghiệp nhà nước Ukraine đang làm ăn thua lỗ, lại đề nghị trao quyền quản lý các doanh nghiệp này cho các quỹ đầu tư của Mỹ.
Bài viết kết luận: Đã đến lúc cần phải thấy rõ sẽ không chỉ là sự mất chủ quyền quốc gia, mất Crimea, và cả "vựa than" Donbass cũng đang bị đe dọa mất nốt, mà còn là sự mất mát lớn hơn, đó chính là mất lòng tin. Người dân Ukraine sẽ không còn muốn sống trong một quốc gia bù nhìn.
TTK