Cơ quan tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR) mới đây cho biết, cuộc khủng hoảng chính trị ở Niger đã tạo ra sự bất ổn đối với nhiều người dễ bị tổn thương, đặc biệt là những hạn chế đối với các hoạt động nhân đạo nhằm ngăn cản viện trợ và bảo vệ.
Đại diện UNHCR tại Niger, Emmanuel Gignac, nêu rõ các biện pháp trừng phạt do Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) áp đặt đối với nước này sau cuộc đảo chính quân sự vào tháng trước không bao gồm bất kỳ miễn trừ nào đối với viện trợ nhân đạo.
Ông Gignac quan sát thấy giá lương thực và hàng hóa vốn đã tăng trước cuộc khủng hoảng này đã tăng vọt sau khi các lệnh trừng phạt của ECOWAS được áp dụng. Ông cảnh báo nếu các tổ chức nhân đạo không thể cung cấp thực phẩm và hỗ trợ y tế thì hậu quả có thể là “thảm khốc”.
Hơn nữa, tình hình an ninh, tình trạng thiếu nhiên liệu và sự gián đoạn của Dịch vụ Hàng không Nhân đạo Liên hợp quốc (UNHAS) đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng di chuyển của nhân viên cứu trợ, khiến họ không thể tiếp cận những người cần hỗ trợ nhất.
Ông Gignac cũng bày tỏ lo ngại về tác động của các biện pháp trừng phạt đối với việc cung cấp điện: “Chúng tôi gần như liên tục sử dụng máy phát điện và tiêu thụ nhiều nhiên liệu”, đồng thời lưu ý những thách thức đối với việc cung cấp nhiên liệu trong những tháng tới.
Bạo lực gia tăng
Theo UNHCR, cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra và chưa có giải pháp rõ ràng đang tạo ra sự bất ổn và lo ngại khi Niger tiếp tục hứng chịu các cuộc tấn công liên tục của các nhóm vũ trang phi chính phủ, đặc biệt là gần biên giới Mali và Burkina Faso.
Ông Gignac cho biết, bạo lực gần đây đã khiến thêm 20.000 người mới phải di dời trong tháng trước. Ông nhấn mạnh rằng sự gia tăng các sự cố an ninh trong vài tuần qua đã làm tăng rủi ro bảo vệ đối với người di cư, xin tị nạn cùng những người liên quan. Ví dụ, vào tháng 7 UNHCR đã phát hiện 255 vụ việc cần được bảo vệ bao gồm bắt cóc, bạo lực trên cơ sở giới tính và bạo lực gia đình.
Chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ sự cố kể từ khi quân đội tiếp quản chính quyền ở Niger, từ ngày 26 đến ngày 31/7, cơ quan này ghi nhận số vụ việc tương tự tăng 50% so với đầu tháng.
Ông Gignac cho rằng cuộc khủng hoảng cũng trùng với khoảng thời gian giữa các vụ thu hoạch, một “giai đoạn mong manh” đánh dấu sự chuyển tiếp giữa mùa nông nghiệp – khi lũ lụt tiếp tục ảnh hưởng đến hàng nghìn người kể từ tháng 7.
Mất an ninh lương thực
Niger cũng đang đối mặt với hoàn cảnh khó khăn với hơn 7 triệu người (gần một nửa dân số cả nước) có nguy cơ bị đói. Cho đến nay, 3,3 triệu người được cho là bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu lương thực và 6.000 ngôi làng đang phải đối mặt với “cuộc khủng hoảng lương thực cấp tính”.
Cuộc khủng hoảng lương thực đang buộc nhiều người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em từ các vùng nông thôn của Niger, phải di cư đến các thành phố và sang các nước láng giềng. Theo UNHCR, có khoảng 700.000 người bị buộc phải di dời ở nước này. Một nửa trong số họ là người Niger, nửa còn lại là người tị nạn và người xin tị nạn chủ yếu đến từ Mali và Burkina Faso.
Đề cập đến bản cập nhật gần đây về kế hoạch dự phòng của UNHCR, ông Gigrac cảnh báo rằng phản ứng nhân đạo hiện tại không thể giải quyết bất kỳ cú sốc mới nào, chẳng hạn như sự di chuyển đột ngột của hàng chục nghìn người tị nạn mới và bất kỳ nhu cầu nhân đạo nào phát sinh.
Do đó, UNHCR đã kêu gọi các quốc gia xem xét cơ chế miễn trừ trừng phạt, đặc biệt trong bối cảnh hạn chế di chuyển và giá lương thực, hàng hóa tăng cao.
Ông Gignac nhấn mạnh, kho dự trữ các mặt hàng thiết yếu của UNHCR, phục vụ cho khoảng 5.000 gia đình, dự kiến chỉ đủ dùng trong 3 đến 5 tháng. Ông cũng bày tỏ lo ngại về khả năng tiếp cận thuốc men và chăm sóc sức khỏe, đồng thời kêu gọi tiếp tục cung cấp các dịch vụ y tế, vốn do chính phủ cung cấp theo truyền thống, bất chấp các lệnh trừng phạt.
Theo Liên hợp quốc, tình trạng bất ổn chính trị đang diễn ra trầm trọng hơn do sự can thiệp của quân đội, có khả năng gây tác động tiêu cực đến việc đáp ứng cầu nhân đạo vốn đã lớn và phức tạp ở Niger, nơi có hơn 4,3 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo chỉ trong năm nay.
Mới đây, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) cảnh báo rằng hàng triệu người ở đó có thể rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng do tác động của các lệnh trừng phạt, vì 3,3 triệu người hiện đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.
7,3 triệu người khác, những người vốn đã phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ vừa phải trước cuộc khủng hoảng, hiện có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói hơn. Tuy nhiên, lời kêu gọi tài trợ trị giá 135,7 triệu USD của UNHCR dành cho Niger chỉ được đáp ứng 39%.