Nữ Tổng thống Brazil chiến đấu đến cùng

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff ngày 10/5 tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng và bằng mọi cách để ngăn cản việc bị Quốc hội bãi nhiệm.

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff phát biểu tại Brasilia, Brazil ngày 6/5. Ảnh: EPA/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, phát biểu tại một hoạt động trước hàng nghìn người ủng hộ chỉ một ngày trước khi Thượng viện bỏ phiếu xem xét việc đưa Tổng thống ra xét xử trước một tòa án chính trị nhằm phế truất người đứng đầu nhà nước, bà Rousseff tố cáo Phó Tổng thống Michel Temer và cựu Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha là những kẻ phản bội và cầm đầu âm mưu “đảo chính hiện đại”, ảnh hưởng nghiêm trọng tới Hiến pháp. Bà Rousseff cho rằng những gì đang diễn ra là một quá trình bầu cử không trực tiếp mà các cử tri không có quyền lựa chọn.

Cùng ngày, Tổng Chưởng lý Eduardo Cardozo đã đề nghị Tòa án Tối cáo hủy bỏ tiến trình luận tội Tổng thống Rousseff. Việc kháng cáo của ông Cardozo là hy vọng cuối cùng của người đứng đầu nhà nước trong việc ngăn cản tiến trình luận tội bà.

Trong khi đó, quyền Chủ tịch Hạ viện Waldir Maranhao đã hủy bỏ quyết định đình chỉ việc xem xét luận tội Tổng thống Rousseff mà ông đưa ra trước đó một ngày. Trong một thông cáo chính thức gửi đến Thượng viện Brazil cùng ngày, ông Maranhao không nêu lý do cho động thái trên. Quyết định này đồng nghĩa với việc tiến trình xem xét luận tội bà Rousseff vẫn được tiến hành. Ông Maranhao đảm nhiệm chức vụ quyền Chủ tịch Hạ viện từ tuần trước thay cho ông Eduardo Cunha, một trong những người chủ mưu thúc đẩy việc xét xử Tổng thống Rousseff, bị Tòa án Tối cao đình chỉ chức vụ hôm 5/5 do các cáo buộc tham nhũng trong vụ bê bối khổng lồ của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) Luis Almagro thông báo sẽ có cuộc tham vấn tư pháp với Tòa án Nhân quyền liên Mỹ về quá trình luận tội Tổng thống Rousseff hiện nay ở Brazil, sau khi ông này làm việc với bà Rousseff cũng như đại diện Thượng viện và Chủ tịch Tòa án Tối cao Liên bang (STF) Ricardo Lewandowski tại Brasilia. Ông Almagro cho rằng không nhận được câu trả lời thỏa đáng về tính hợp pháp của những cáo buộc được sử dụng để luận tội bà Rousseff, đồng thời khẳng định OAS có nghĩa vụ quan sát việc thực thi dân chủ ở khu vực. Ông bày tỏ quan ngại về tình trạng an ninh tư pháp của Brazil sau buổi làm việc với 3 cơ quan quyền lực ở quốc gia Nam Mỹ. Theo ông Almagro, có quá nhiều nghị sĩ đứng trước nguy cơ bị cáo buộc dính líu tới tham nhũng, ảnh hưởng tới quá trình luận tội bà Rousseff.

Theo dự kiến, trong ngày 11/5, Thượng viện sẽ họp phiên toàn thể để bỏ phiếu xem xét bãi nhiệm bà Rousseff. Chỉ cần 41 trong 81 thượng nghị sĩ thông qua thủ tục phế truất, Tổng thống Brazil sẽ bị buộc phải rời nhiệm trong vòng 180 ngày, nhường chỗ cho Phó Tổng thống Michel Temer, chấm dứt 13 năm cầm quyền ở Brazil của Đảng Lao động (PT) với những thành quả xã hội mà cộng đồng quốc tế đã nhiều lần thừa nhận. Nếu bà Rousseff bị phế truất, ông Temer sẽ làm tổng thống tới ngày 31/12/2018. Trước đó, ngày 17/4, Hạ viện Brazil đã bỏ phiếu thông qua việc tiến hành luận tội Tổng thống Rousseff mặc dù người đứng đầu nhà nước không bị điều tra hay có bất cứ cáo buộc nào liên quan tới tham nhũng.

Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Brazil được coi là một trang tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia Nam Mỹ này. Ngoài việc chính trường Brazil đang ngày càng rối ren, nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ cũng đang lún sâu vào suy thoái sau nhiều năm đạt mức tăng trưởng ấn tượng nhờ giá hàng hóa cao và nhu cầu lớn về dầu mỏ, quặng sắt và một số hàng hóa khác từ thị trường Trung Quốc.

TTXVN/Tin Tức
Khủng hoảng chính trị tại Brazil tiếp tục căng thẳng
Khủng hoảng chính trị tại Brazil tiếp tục căng thẳng

Bất chấp quyền Chủ tịch Hạ viện Brazil yêu cầu ngừng quá trình luận tội Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện nước này tuyên bố mọi việc vẫn sẽ được tiến hành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN