Nước Pháp với bài toán làn sóng biểu tình

Nước Pháp lần nữa phải trải qua một mùa Giáng sinh và Năm mới không được trọn vẹn khi làn sóng đình công phản đối cải cách chế độ hưu trí bùng phát từ đầu tháng 12, làm rối loạn giao thông công cộng khắp cả nước, đặc biệt là tại thủ đô Paris.

Chú thích ảnh
 Người dân di chuyển bằng tàu điện ngầm tại Paris, Pháp, ngày 20/12/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Khi phong trào Áo vàng, vốn cũng khởi phát vào thời điểm cuối năm 2018 nhằm phản đối kế hoạch tăng thuế, chưa chấm dứt, thì nước Pháp cần nhìn nhận nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và nhanh chóng tìm ra lời giải cho bài toán hiện nay.

Pháp là một trong những nước có hệ thống lương hưu hào phóng nhất trong Liên minh châu Âu (EU) với ngân sách hữu trí chiếm 13,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Hiện có khoảng 42 mức hưu trí khác nhau dành cho người lao động thuộc ngành nghề khác nhau kèm theo chế độ khác nhau. Giống như các chính phủ Pháp tiền nhiệm khác, đơn giản hóa hệ thống hưu trí và xóa bỏ bất bình đẳng giữa các chế độ là một trong những chính sách mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron theo đuổi  nhằm hoàn thành cam kết chiến dịch tranh cử của mình. Theo đề xuất của chính phủ, hệ thống hưu trí mới cũng giữ nguyên tuổi về hưu hợp pháp là 62 tuổi, song sẽ khuyến khích những người muốn làm việc lâu hơn (cho tới năm 64 tuổi) thông qua một hệ thống thưởng và hệ thống miễn giảm. Điểm mấu chốt dẫn tới sự bất bình hiện nay là việc hệ thống hưu trí mới sẽ hủy bỏ các cơ chế lương hưu đặc biệt (bao gồm cơ chế cho phép nghỉ hưu sớm và một số lợi ích khác đối với người lao động thuộc khu vực công). Ngoài ra, phía nghiệp đoàn cũng không đồng tình kế hoạch kéo dài tuổi lao động của chính phủ.

Cuộc biểu tình đầu tiên  do các nghiệp đoàn khởi xướng, bùng phát từ ngày 5/12 và chưa có dấu hiệu chấm dứt khi làn sóng đình công gây sức ép chính phủ đã bước sang ngày thứ 19 liên tiếp. Chính phủ Pháp và nghiệp đoàn và tổ chức lao động đã nhiều lần tiến hành đối thoại nhằm tìm kiếm sự thỏa hiệp, song mọi nỗ lực vẫn chưa được hiện thực hóa. Trong khi đó, các cuộc đình công đã kéo theo nhiều hậu quả mà những đối tượng phải hứng chịu chính là người dân Pháp. Cuộc sống bị đảo lộn, hệ thống giao thông công cộng bị đình trệ, thậm chí một bộ phận người dân Pháp nhiều khả năng phải trải qua một Giáng sinh năm 2019 không có người thân bên cạnh khi các chuyến tàu hỏa, tàu điện ngầm không hoạt động. Theo thăm dò của cơ quan Harris Interractive, gần 2/3 người Pháp ủng hộ phong trào xã hội, nhưng cũng có đến 69% số người được hỏi muốn chính quyền và nghiệp đoàn “đình chiến” vào dịp Giáng sinh và Năm mới đang đến gần.

Nhìn lại phong trào Áo vàng cách đây hơn 1 năm, khi đó kế hoạch tăng thuế xăng dầu của chính phủ như "giọt nước tràn ly" khiến một bộ phận người dân nghèo, người lao động có thu nhập thấp, những doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng thuế cao không thể đứng yên trước sự bất công của loại thuế này. Họ cho rằng họ là người làm ra của cải vật chất, phải chịu thuế chồng thuế,  trong khi một bộ phận người dân khác với thành phần là giới truyền thông, doanh nghiệp lớn và người giàu, bị cho là chiếm đoạt thành quả lao động của họ với những loại thuế khác nhau. Phong trào biểu tình Áo vàng đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng mà nước chính phủ khó lường trước được. Theo thống kê của chính phủ, tổng thiệt hại đối với tăng trưởng Pháp là 2,5 tỷ euro (2,9 tỷ USD). Khoảng 5.000 thợ thủ công và tiểu thương đã yêu cầu chính phủ hỗ trợ giãn thời hạn nộp các loại thuế và đóng góp để tránh bị phá sản. Hơn 75.000 nhân viên từng bị thất nghiệp tạm thời, đặc biệt trong lĩnh vực nhà hàng-khách sạn, thương mại và giao thông.

Tình hình căng thẳng đã buộc Tổng thống Emmanuel Macron tiến hành cuộc đối thoại toàn quốc kéo dài trong 2 tháng đầu năm 2019. Chính phủ sau đó đưa ra một loạt biện pháp, với tổng chi phí lên đến 17 tỷ euro để trấn an người dân như điều chỉnh trợ cấp hưu trí đối với mức lương dưới 2.000 euro so với mức lạm phát; giảm 5 tỷ euro tiền thuế các loại; cung cấp các loại thưởng đặc biệt và khoản tiền này được miễn thuế; không đóng thêm cửa bệnh viện hoặc trường học cho đến cuối nhiệm kỳ Tổng thống Macron. Điều đáng lo ngại là dù đang tạm lắng, song phong trào Áo vàng trên thực tế vẫn âm ỉ cháy. Do vậy, với bài học rút ra từ phong trào Áo vàng, chính quyền Pháp cần nhanh chóng tìm kiếm giải pháp thỏa đáng cho làn sóng phản đối cải cách hưu trí hiện nay.

Thanh Hương (TTXVN)
Biểu tình phản đối Chính phủ Ấn Độ leo thang bạo lực, ít nhất 2 người thiệt mạng
Biểu tình phản đối Chính phủ Ấn Độ leo thang bạo lực, ít nhất 2 người thiệt mạng

Ngày 20/12, người biểu tình tiếp tục tràn xuống các đường phố ở thủ đô Ấn Độ cùng các thành phố khác để phản đối Luật Quốc tịch sửa đổi (CAA).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN