Chỉ số chất lượng cuộc sống về không khí (AQLI) được EPIC công bố ngày 1/9 cho thấy gánh nặng từ chất lượng không khí độc hại là không đồng đều trên toàn cầu. Trung Quốc đã có bước tiến nhanh, đạt thành tựu nổi bật về nâng cao chất lượng không khí. Trong khi đó các điểm nóng toàn cầu hiện nay đang tập trung ở Nam Á và khu vực Tiểu Sahara châu Phi.
AQLI đi sâu vào tiêu chí các hạt nhỏ li ty trong khí phát thải (bụi mịn) và ảnh hưởng của nó với sức khỏe con người trên phạm vi toàn cầu. Loại bụi mịn nguy hiểm và độc hại nhất là PM2.5, do kích cỡ siêu nhỏ của nó. Bụi này chủ yếu phát sinh từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch, các nguồn năng lượng khác và có hại cho sức khỏe.
Theo Giám đốc EPIC director Michael Greenstone, khi xét trên tổng dân số toàn thế giới, ô nhiễm không khí đang đánh cắp đi 17 tỉ năm tuổi thọ. Cũng theo báo cáo này, ở nhiều khu vực, ô nhiễm không khí đã trở thành nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng hơn so với bệnh lao, HIV/AIDS hay nạn hút thuốc lá.
Tính riêng từng nước, Trung Quốc tuy vẫn là nguồn gây ô nhiễm lớn, nhưng đã có đóng góp quan trọng trong cắt giảm khí thải. Nếu đạt tới mức chất lượng không khí theo tiêu chuẩn mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra, người dân Trung Quốc sẽ có tuổi thọ tăng thêm 2,6 tuổi. Tính tổng cộng, ô nhiễm bụi mịn ở Trung Quốc giảm 29% kể từ năm 2013, giúp tăng thêm 1,5 tuổi thọ trung bình mỗi người dân.
Điểm nóng nhất về ô nhiễm chất lượng không khí là Nam Á, nhất là Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Nepal. Hơn 480 triệu người dân sinh sống tại những vùng rộng lớn ở miền Trung, Đông và Bắc Ấn Độ, trong đó có thủ đô New Delhi đang hít thở bầu không khí bị ô nhiễm nặng nề. Nếu chất lượng không khí đạt mức tiêu chuẩn của WHO, tuổi thọ của người dân Ấn Độ sẽ tăng thêm 5,9 tuổi.
Khu vực Tiểu Sahara châu Phi cũng là một điểm nóng về ô nhiễm không khí. Tại Ghana, nếu ô nhiễm không khí được kiểm soát tốt, tuổi thọ của người dân sẽ tăng thêm 2,6 năm, ngang bằng với Trung Quốc.