Nguồn tin của CNN cho biết, cựu Tổng thống Donald Trump đã không hài lòng với phần tranh luận mở màn của luật sư Bruce Castor trong phiên toà luận tội diễn ra tại Thượng viện ngày 9/2 theo giờ địa phương (rạng sáng 10/2 giờ VN).
Theo hai người quen thuộc với cựu lãnh đạo Mỹ, ông Trump đã gần như hét lên khi Castor đưa ra những lập luận quanh co, không đạt được trọng tâm của phần tranh luận mà nhóm luật sư bào chữa định nhắm tới là tính hợp hiến của việc tổ chức phiên toà luận tội một tổng thống không còn đương nhiệm.
Cũng theo CNN, các thượng nghị sĩ Cộng hoà cũng không hài lòng với nhóm luật sư biện hộ của cựu Tổng thống Trump. Thượng nghị sĩ John Cornyn nhận xét với các phóng viên rằng nhóm pháp lý này "không phải là nhóm tốt nhất mà tôi từng thấy".
"Và sau đó tôi nghĩ luật sư của Tổng thống, luật sư đầu tiên, chỉ nói lan man và lặp đi lặp lại, không thực sự giải quyết chuyện tranh luận về tính hợp hiến", ông Cornyn chỉ trích.
Luật sư David Schoen, người phát biểu thứ hai, được cho là người phải trình bày trước, chứ không phải ông Bruce Castor - theo hai người quen thuộc với kế hoạch của nhóm pháp lý.
Khi kết thúc phần tranh luận mở đầu của mình, luật sư Castor giải thích thứ tự phát biểu của ông được thay đổi vì nhóm đại diện Hạ viện đã làm rất tốt.
Một trong những nguồn tin nói với CNN rằng nhóm pháp lý được ông Trump thuê mới được tập hợp cách đây chỉ hơn 1 tuần, và mọi việc diễn ra như mong đợi. Các đồng minh của cựu Tổng thống đã rất ngạc nhiên khi các luật sư của ông chuyển vị trí phát biểu vào phút chót.
Vào lúc 13 giờ ngày 9/2 (rạng sáng 10/2 theo giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã bắt đầu phiên xét xử luận tội đối với cựu Tổng thống nước này, ông Donald Trump.
Với việc Thượng viện Mỹ mở phiên xét xử này, ông Donald Trump đã trở thành cựu tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ bị Quốc hội luận tội và cũng là tổng thống duy nhất bị luận tội 2 lần.
Trong ngày đầu tiên của phiên toà, các đại diện của Hạ viện và nhóm luật sư của ông Trump có lần lượt mỗi bên tối đa 2 tiếng để trình bày các lập luận của mình về tính hợp hiến hay không của phiên xét xử. Sau đó, Thượng viện bỏ phiếu xem liệu phiên xét xử cựu Tổng thống Trump có phù hợp Hiến pháp Mỹ hay không. Nếu kết quả bỏ phiếu đạt một đa số tối thiểu (51 phiếu), tiến trình xét xử luận tội sẽ tiếp tục được triển khai với hàng loạt thủ tục. Trường hợp ngược lại, phiên xét xử sẽ lập tức chấm dứt.
Theo CNN, sau cuộc bỏ phiếu nói trên, Thượng viện Mỹ đã thông qua việc tiếp tục tiến trình xét xử luận tội với cựu Tổng thống Donald Trump với cáo buộc "kích động bạo loạn" liên quan tới vụ nhóm người biểu tình quá khích tấn công Tòa nhà Quốc hội ngày 6/1/2021, khiến 5 người thiệt mạng.
Với 56 phiếu thuận và 44 phiếu chống, Thượng viện đã bác bỏ lập luận của nhóm luật sư bào chữa cho cựu Tổng thống Trump rằng phiên tòa xét xử là vi hiến.
Đáng chú ý, đã có 6 Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bỏ phiếu tán thành việc tiếp tục tiến hành phiên luận tội đối với ông Trump.
Với quyết định trên, Thượng viện Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy các thủ tục luận tội. Tuy nhiên, kết quả cuộc bỏ phiếu này cũng cho thấy đảng Dân chủ dự kiến sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong suốt quá trình luận tội ông Trump, khi cần ít nhất 17 phiếu ủng hộ của các thượng nghị sĩ Cộng hòa trong tiến trình này.