Với việc Thượng viện Mỹ mở phiên xét xử này, ông Donaal Trump đã trở thành cựu tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ bị Quốc hội luận tội. Ông cũng là quan chức hành chính cấp cao liên bang đầu tiên bị luận tội tới 2 lần.
Ngày 13/1 vừa qua, Hạ viện Mỹ khóa 117 do đảng Dân chủ kiểm soát đã bỏ phiếu thông qua điều khoản luận tội ông Trump, người thời điểm đó vẫn là Tổng thống Mỹ, với cáo buộc “kích động bạo loạn”.
Cụ thể, các nhà lập pháp đảng Dân chủ cho rằng ông Trump phải chịu trách nhiệm sau khi có những phát ngôn kích động, dẫn tới việc những người biểu tình quá khích tràn vào tấn công trụ sở Quốc hội Mỹ hôm 6/1, thời điểm lưỡng viện nhóm họp để chứng thực kết quả cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2020. Vụ bạo loạn đã khiến 5 người thiệt mạng.
Theo Hiến pháp Mỹ, sau khi Hạ viện trình biên bản buộc tội lên Thượng viện, một phiên xét xử phải diễn ra. Dân chủ muốn đẩy nhanh tiến trình luận tội và hoàn tất trước ngày 20/1 vừa qua, tức là trước thời điểm Tổng thống Trump mãn nhiệm và rời Nhà Trắng. Tuy nhiên, nỗ lực này đã không thành công, một phần do sự phản đối của các nghị sĩ Cộng hòa, một phần do thời gian quá gấp gáp để xúc tiến các thủ tục tại Thượng viện.
Thông thường, các phiên xét xử luận tội các giới chức hành pháp tại Mỹ sẽ do Chánh án Tòa án Tối cao chủ trì. Tuy nhiên, do ông Trump đã không còn giữ cương vị Tổng thống, nên Thượng nghị sĩ Dân chủ Patrick Leahy sẽ chủ trì phiên luận tội lần này thay cho Chánh án Tóa án Tối cao John Roberts.
Tại phiên xét xử này, các Thượng nghị sĩ sẽ đóng đồng thời hai vai trò: Bồi thẩm đoàn và Thẩm phán. Trong khi, các đại diện của Hạ viện đóng vai trò bên công tố. Nhóm này gồm các Hạ nghị sĩ Jamie Raskin, Diana DeGette, David Cicilline, Joaquin Castro, Eric Swalwell, Ted Lieu, Joe Neguse, Madeleine Dean và đại biểu không có quyền bỏ phiếu Stacey Plaskett đại diện cho vùng lãnh thổ Virgin Islands. Đây đều là những cựu luật sư kỳ cựu và đứng đầu nhóm là Hạ nghị sĩ Jamie Raskin, một thành viên của Ủy ban Giám sát và Ủy ban Tư pháp Hạ viện.
Trong khi đó, đại diện bên phía nhóm luật sư bào chữa cho cựu Tổng thống Trump có các luật sư Bruce Castor, cựu chưởng lý hạt Montgomery của bang Pennsylvania, và David Schoen, một luật sư nổi tiếng về quyền dân sự tại Mỹ.
Trong ngày đầu tiên, các đại diện của Hạ viện và nhóm luật sư của ông Trump có lần lượt mỗi bên tối đa 2 tiếng để trình bày các lập luận của mình về tính hợp hiến hay không của phiên xét xử. Sau đó, Thượng viện bỏ phiếu xem liệu phiên xét xử cựu Tổng thống Trump có phù hợp Hiến pháp Mỹ hay không. Nếu kết quả bỏ phiếu đạt một đa số tối thiểu (51 phiếu), tiến trình xét xử luận tội sẽ tiếp tục được triển khai với hàng loạt thủ tục. Trường hợp ngược lại, phiên xét xử sẽ lập tức chấm dứt.
Cuối năm 2019, Tổng thống Trump đã bị Hạ viện Mỹ luận tội “lạm dụng quyền lực và cản trở công lý”. Tuy nhiên, sau đó vào mùa Xuân 2020, Thượng viện Mỹ khi đó do phe Cộng hòa kiểm soát đã bỏ phiếu và tha bổng cho ông.
Giới quan sát và các chuyên gia phân tích chính trị tin rằng kịch bản cựu Tổng thống Trump bị kết tội là không cao, vì phe Dân chủ cần phải nhận được thêm sự ủng hộ của 17 Thượng nghị sĩ Cộng hòa. Khả năng có một số lượng lớn như vậy các nhà lập pháp Cộng hòa “quay giáo” là rất khó. Và như vậy, nhiều khả năng ông Trump sẽ được tha bổng một lần nữa.
Song những người cáo buộc thì lập luận rằng không được phép có “ngoại lệ tháng 1”, nhấn mạnh một tổng thống phải chịu trách nhiệm về những quyết định của mình từ ngày đầu tiên cho tới ngày cầm quyền cuối cùng.
Về phần mình, nhóm đại diện pháp lý của ông Trump cho rằng việc Quốc hội Mỹ xúc tiến cuộc luận tội lần này là “ngớ ngẩn và vi hiến” vì ông đã không còn đảm nhiệm một chức vụ công quyền nào và nay chỉ là một công dân bình thường. Và nếu Tổng thống Trump bị kết tội, Thượng viện Mỹ sẽ tiếp tục bỏ phiếu xem liệu có cấm ông đảm nhiệm các chức vụ công quyền trong tương lai hay không.