Theo nhật báo Hurriyet (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 3/8, hiện 13 thành viên chủ chốt của OPEC do Saudi Arabia dẫn đầu và 10 quốc gia khác trong OPEC+ do Nga đứng đầu đang ở "ngã ba đường".
Sau khi cắt giảm mạnh sản lượng như thỏa thuận vào mùa Xuân năm 2020 do nhu cầu sụt giảm trong đại dịch COVID-19, các quốc gia thành viên lại một lần nữa sản xuất ở mức trước khi đại dịch diễn ra, ít nhất là về mặt lý thuyết.
Trong giai đoạn bình thường, có lẽ họ đã dừng lại ở mức đó, nhưng đối mặt với giá cả tăng vọt và áp lực từ Mỹ, kịch bản này được xem là khó xảy ra.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công du Saudi Arabia vào giữa tháng 7. Một phần lý do của chuyến đi gây tranh cãi là để thuyết phục Saudi Arabia tiếp tục nới lỏng các mức sản xuất để ổn định thị trường và kiềm chế lạm phát. Cuộc họp tuần này tại trụ sở ở Vienna của OPEC+ sẽ cho thấy liệu những nỗ lực của ông Biden có thành công hay không.
Craig Erlam, nhà phân tích của sàn giao dịch Oanda tại Mỹ, nói với hãng AFP: “Chính quyền Mỹ dường như đang dự đoán một số tin tốt nhưng thật khó để biết liệu điều đó có phải là nhờ chuyến công du của ông Biden không".
Về phần mình, Stephen Innes thuộc công ty tư vấn quản lý tài sản SPI Asset Management cho biết: “Sẽ không có gì ngạc nhiên khi Saudia Arabia công bố điều gì đó mà ông Biden có thể nói với các cử tri trong nước rằng đó là một chiến thắng của mình".
Theo Viện Nghiên cứu Energy Aspects có trụ sở tại London, OPEC+ có thể điều chỉnh thỏa thuận hiện tại để tiếp tục tăng khối lượng sản xuất dầu thô. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo không nên kỳ vọng họ sẽ tăng sản lượng mạnh.
Lý do là vì OPEC+ phải tính đến thực tế là lợi ích của Nga hoàn toàn trái ngược với lợi ích của Mỹ.
Tamas Varga, nhà phân tích của PVM Energy nhận định: “Saudi Arabia phải cân bằng tốt giữa ranh giới Mỹ và Nga”.
Nhiệm vụ sẽ là cho phép Mỹ "cứu vãn" thể diện đồng thời xoa dịu Nga nhằm đảm bảo ổn định của liên minh. Mọi quyết định được đưa ra tại cuộc họp lần này sẽ phải được thống nhất, điều có thể dẫn đến cuộc họp kéo dài hơn bình thường.
Nhà phân tích thị trường Han Tan tại Exinity bình luận: “Bất kỳ thỏa thuận mới nào của OPEC+ nhằm gia tăng nguồn cung đều có thể vấp phải sự hoài nghi của thị trường, vì những hạn chế về nguồn cung đã là vấn đề rõ ràng trong liên minh”. OPEC+ đã thường xuyên không hoàn thành hạn ngạch sản xuất đã được phân bổ và đã phải vất vả khi quay trở lại mức sản lượng trước đại dịch.