Trước đó, OPEC+ hầu như không cung cấp thông tin gì về nguyên nhân đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng như vậy, mà chỉ nói rằng đó là một “biện pháp đề phòng” để hỗ trợ sự ổn định của thị trường. Nhưng trong một nội dung thảo luận về triển vọng thị trường vào mùa hè trong báo cáo hàng tháng được công bố ngày 13/4, OPEC cho biết lượng dầu dự trữ đang rất cao và tăng trưởng toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức.
OPEC cho biết lượng dầu thương mại dự trữ của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đang tăng lên trong những tháng gần đây, và cung cầu đã không còn cân bằng như cùng kỳ một năm trước.
OPEC cũng cho rằng xu hướng tăng nhu cầu theo mùa như thường lệ của Mỹ có thể bị ảnh hưởng nếu việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khiến kinh tế suy yếu. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc tái mở cửa sau khi dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch COVID-19 khắt khe vẫn chưa thể thúc đẩy lượng đầu thô đầu vào cho quá trình lọc dầu.
OPEC còn đề cập đến một loạt các thách thức tiềm tàng đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, như lạm phát cao, xu hướng thắt chặt tiền tệ, sự ổn định của các thị trường tài chính và các mức nợ cao của cả khu vực cá nhân, doanh nghiệp và nợ công.
Tuy nhiên, báo cáo lần này là tháng thứ hai liên tiếp OPEC vẫn giữ nguyên dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng 2,32 triệu thùng/ngày, hay 2,3%, trong năm 2023, nhưng nâng dự báo nhu cầu của Trung Quốc. OPEC dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ tăng 2,6% trong năm nay, và cho rằng bất ổn ngân hàng ở Mỹ không có quá nhiều tác động kinh tế.
OPEC còn cho biết sản lượng của nhóm này trong tháng 3 đã giảm 86.000 thùng/ngày xuống 28,8 triệu thùng/ngày, do tác động của các mức cắt giảm sản lượng trước đó mà OPEC+ đã cam kết để hỗ trợ thị trường "vàng đen".