Theo OPEC, nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ tăng trong thời gian dài hơn so với các dự báo của những công ty dầu khí đa quốc gia và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), vốn cho rằng nhu cầu sử dụng dầu mỏ thế giới sẽ đạt đỉnh trong thập kỷ này.
Trong trung hạn, OPEC dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ đạt 111 triệu thùng/ngày vào năm 2028, tăng 800.000 thùng/ngày so với dự báo năm 2023. Đến năm 2029, nhu cầu dầu thế giới là 112,3 triệu thùng/ngày, cao hơn 6 triệu thùng/ngày so với dự báo của IEA. OPEC đánh giá nhu cầu dầu thế giới tăng trong trung hạn là do tình hình kinh tế thế giới trong năm nay cải thiện hơn so với năm ngoái khi áp lực lạm phát giảm dần và các ngân hàng trung ương bắt đầu hạ lãi suất.
Về dài hạn, OPEC dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ đạt 118,9 triệu thùng/ngày vào năm 2045, cao hơn khoảng 2,9 triệu thùng/ngày so với dự báo năm 2023. Đến năm 2050, nhu cầu dầu thế giới là 120,1 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, BP dự đoán nhu cầu dầu toàn cầu có thể đạt đỉnh vào năm 2025, trước khi giảm xuống còn 75 triệu thùng/ngày vào năm 2050. Exxon Mobil cho rằng nhu cầu dầu thế giới sẽ duy trì ở mức trên 100 triệu thùng/ngày vào năm 2050, tương tự như mức hiện nay.
Cũng theo dự báo của OPEC, đến năm 2050, sẽ có 2,9 tỷ xe điện lưu thông trên đường (tăng 1,2 tỷ xe so với năm 2023). Mặc dù xe điện tăng và đang sẵn sàng chiếm thị phần lớn nhưng vẫn còn những trở ngại như lưới điện, năng lực sản xuất pin và khả năng tiếp cận các khoáng sản quan trọng. Đến năm 2050, xe chạy bằng động cơ đốt trong vẫn sẽ chiếm 70% tổng lượng xe toàn cầu.
Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký OPEC Haitham Al Ghais nhấn mạnh “không có nhu cầu dầu đạt đỉnh trong tương lai gần". Theo ông, nhu cầu năng lượng trong tương lai phần lớn do các nước đang phát triển chi phối, do dân số, tầng lớp trung lưu và tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng. Ông Al Ghais kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan hợp tác để đảm bảo môi trường đầu tư thân thiện trong dài hạn.