Kênh BBC đưa tin theo kế hoạch trên, tiền trợ cấp thai sản sẽ được chi trả trong tổng cộng 14 tháng, tức 164 ngày cho mỗi phụ huynh sau khi sinh con. Quốc gia láng giềng Thụy Điển được cho là có chính sách nghỉ thai sản hào phóng nhất với 240 ngày cho mỗi ông bố, bà mẹ.
Giải thích về chính sách mới trên, Chính phủ Phần Lan cho biết muốn thúc đẩy hạnh phúc và bình đẳng giới. Bộ trưởng Y tế và Các vấn đề xã hội Aino-Kaisa Pekonen trả lời phóng viên rằng "một cuộc cải cách lợi ích gia đình triệt để" đã bắt đầu, với mục đích củng cố mối quan hệ của cha mẹ ngay từ đầu.
Hệ thống luật hiện nay tại Phần Lan quy định kỳ nghỉ thai sản kéo dài 4,2 tháng, trong khi các ông bố được nghỉ 2,2 tháng cho đến khi đứa trẻ lên 2 tuổi. Tuy nhiên, trung bình chỉ có 1 trong số 4 ông bố tận dụng kỳ nghỉ này.
Theo kế hoạch mới, mỗi phụ huynh sẽ được nghỉ 6,6 tháng tức 164 ngày và phụ nữ mang thai sẽ nhận thêm thu nhập một tháng bổ sung. Cha mẹ đơn thân sẽ được hưởng cả hai chính sách đối với bố và mẹ.
Tháng trước, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết đất nước Bắc Âu này sẽ tiếp tục phấn đấu bảo vệ quyền bình đẳng giới, đồng thời phản ánh thực trạng rằng có rất ít ông bố dành thời gian chăm sóc và nuôi dạy con nhỏ.
Mục tiêu chung của các nước châu Âu
Bà Anne Lise Ellingsaeter, Giáo sư tại Đại học Oslo, người thực hiện cuộc điều tra về nghỉ thai sản tại Bắc Âu, cho biết các quốc gia tại khu vực đang dẫn đầu về chính sách bảo vệ quyền lợi của các ông bố.
Các nước còn lại của châu Âu cũng không ngoại lệ khi ban hành chỉ thị năm 2019 cho các quốc gia thành viên thời hạn ba năm để triển khai chế độ nghỉ phép ít nhất 4 tháng đối với mỗi phụ huynh.
Bồ Đào Nha hiện có hệ thống chính sách trung hòa giới tính với 120 ngày nghỉ hưởng 100% lương và 30 ngày nghỉ 80% lương áp dụng với cả bố lẫn mẹ.
Giáo sư Ellingsaeter cho biết việc trao quyền lợi nghỉ thai sản cho các ông bố không phải là một mô hình thành công hoàn toàn ở các nước Bắc Âu.
"Na Uy là quốc gia đầu tiên vào năm 1993 cho phép người cha nghỉ chế độ và sau đó Thụy Điển cũng áp dụng. Tuy nhiên, Đan Mạch từng áp dụng chế độ nghỉ cho đàn ông năm 1998 và bãi bỏ nó sau đó, cho đến nay vẫn chưa được áp dụng lại", bà Ellingsaeter nói.
Mới đây, ông Shinjiro Koizumi là bộ trưởng đầu tiên tại Nhật Bản thông báo nghỉ chế độ thai sản. Đây là một quyết định hiếm gặp trong giới chính trị nước này. Bộ trưởng Môi trường Koizumi đã nghỉ phép 2 tuần kể từ khi vợ sinh con. Ông chính là bộ trưởng nội các Nhật Bản đầu tiên thực hiện quyền nghỉ thai sản.
Tại Nhật Bản, cả đàn ông và phụ nữ đều có quyền nghỉ làm một năm sau khi sinh con. Tuy nhiên, năm 2018, chỉ có 6% các ông bố quyết định làm như vậy bởi áp lực duy trì công việc. Con số này đối với phụ nữ là 82%.
Ông Koizumi kết hôn với người dẫn chương trình truyền hình Christel Takigawa, 42 tuổi. Ông là con trai thứ của cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi và được coi là một ngôi sao đang lên trong chính giới Nhật Bản.