Nhà lãnh đạo Phần Lan đã đưa ra tuyên bố này tại cuộc họp báo chung với Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tại Helsinki hôm 12/6.
“Tôi muốn nói rằng trường hợp của Thụy Điển là của chúng tôi. Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ cùng nhau tiến xa hơn”, ông Niinisto tuyên bố.
Về phần mình, người đứng đầu NATO cho biết liên minh này không đặt ra bất kỳ thời hạn nào trong việc nhận hồ sơ kết nạp của Phần Lan và Thụy Điển, song sẽ tìm cách khắc phục sự khác biệt với Thổ Nhĩ Kỳ càng sớm càng tốt.
Tổng thư ký Stoltenberg khẳng định hội nghị thượng đỉnh NATO, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6 tới, không phải là hạn chót để đón nhận hai thành viên tương lai.
Phát biểu của ông Stoltenberg báo hiệu bước thay đổi rõ ràng trong lập trường của NATO về thời hạn kết nạp Phần Lan và Thụy Điển. Tuần trước, Phó Tổng thư ký NATO Camille Grand bày tỏ hy vọng những khác biệt giữa Thổ Nhĩ Kỳ và hai quốc gia thành viên tương lai sẽ được giải quyết trước hội nghị thượng đỉnh.
Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn gia nhập khối quân sự NATO trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc. Trong khi cả hai quốc gia Bắc Âu trên đều là đối tác lâu năm của NATO, nhưng họ vẫn là các quốc gia trung lập.
Động thái quyết định gia nhập NATO của hai quốc gia vùng Scandinavia đã nhận được sự ủng hộ từ đa số các thành viên trong liên minh quân sự này.
Tuy nhiên, khả năng hai quốc gia gia nhập khối này đã đi vào bế tắc khi Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên lớn trong NATO - kiên quyết phản đối tư cách thành viên của Helsinki và Stockholm.
Ankara cáo buộc hai quốc gia trên là nơi bảo trợ cho các thành viên cyar Đảng Công nhân người Kurd (PKK), nhóm bị Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ coi là tổ chức khủng bố. Theo ông Stoltenberg, NATO đã ghi nhận mối lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời khuyến khích các bên giải quyết bất đồng thông qua đàm phán.
Về phía Moskva, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov tuyên bố rằng động thái xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển sẽ là một sai lầm gây hậu quả sâu rộng. Theo ông, nếu Stockholm và Helsinki gia nhập NATO, mức độ căng thẳng quân sự trong khu vực này nhìn chung sẽ gia tăng và ít có khả năng dự đoán hơn.