Ngay sau khi Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lên tiếng: “Phán quyết này rõ ràng có tác động lớn đến suy nghĩ của mọi người trên toàn thế giới và đây là một bước lùi lớn trong lịch sử”.
Các nhà lãnh đạo khác cũng lên án quyết định này, cùng với đó là làn sóng biểu tình bùng nổ trên khắp các thành phố ở châu Âu vào cuối tuần qua.
Sau khi Tòa án Tối cao ra phán quyết, quyền phá thai sẽ nằm trong tay giới chức mỗi bang, trừ phi Quốc hội hành động. Chỉ vài giờ ngay sau khi tòa án đảo ngược vụ kiện Roe và Wade, hơn một nửa các bang Mỹ ra quyết định cấm phá thai.
Quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ được cho là đi ngược với xu hướng toàn cầu hướng tới việc tiếp cận tự do hơn đối với quyền phá thai.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trước ngày 24/6, Mỹ vẫn là một trong 56 quốc gia công nhận quyền phá thai của phụ nữ. Trong tổng số 36 quốc gia được Liên hợp quốc công nhận là quốc gia phát triển, chỉ ngoại trừ Ba Lan và Malta, việc phá thai theo yêu cầu hoặc gặp vấn đề về sức khỏe được coi là hợp pháp.
Năm ngoái, Tòa án Tối cao Mexico đã ra phán quyết rằng việc trừng phạt hành vi phá thai là vi hiến. “Kể từ bây giờ, trong trường hợp không vi phạm các tiêu chí của tòa án và hiến pháp, bạn sẽ không thể buộc tội bất kỳ phụ nữ nào phá thai”, Chánh án Tòa án Tối cao Mexico Arturo Zaldivar phát biểu.
Tháng 12/2020, Thượng viện Argentina bỏ phiếu hợp pháp hóa phá thai trước tuần thai 14. Tháng 2/2022, Tòa án Hiến pháp của Colombia ra phán quyết ủng hộ việc hợp pháp hóa mọi hành vi phá thai từ 24 tuần trở xuống.
Trong khi đó, Canada – quốc gia láng giềng phương Bắc của Mỹ - là một trong số ít quốc gia cho phép phá thai vào bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ. Thủ tướng nước này Justin Trudeau đã chỉ trích phán quyết của tòa án Mỹ khiến việc tiếp cận các cơ sở phá thai trở nên khó khăn hơn. Nhà lãnh đạo đã miểu tả phán quyết trên là "kinh khủng". Tại Canada, thủ thuật phá thai được thực hiện tại các bệnh viện và phòng khám tư nhân. Trong hầu hết các trường hợp, thủ thuật này còn nằm trong chương trình bảo hiểm y tế của chính phủ.
Ở châu Âu, phần lớn các quốc gia EU cho phép phá thai với giới hạn tuổi thai, phổ biến nhất là tối đa 12 tuần. Các trường hợp ngoại lệ đối với tuổi thai lớn hơn chỉ được áp dụng do một số nguyên nhân nhất định như việc mang thai hoặc sinh nở gây nguy hiểm cho sức khỏe của người mẹ.
Bên cạnh đó, rất ít quốc gia phát triển không thực hiện phá thai trong những trường hợp nghiêm trọng, ví dụ như khi người phụ nữ là nạn nhân của các hành vi hiếp dâm hoặc loạn luân. Tuy nhiên, nhiều lệnh cấm phá thai ở các bang tại Mỹ lại không bao gồm các quy định ngoại lệ.
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất mà quyền phá thai đang bị đe dọa. Ba Lan chỉ cho phép phá thai trong những trường hợp hiếp dâm, loạn luân hoặc khi thai nhi đe dọa tính mạng của người mẹ. Chính phủ Ba Lan đã coi việc phá thai trở thành một vấn đề nhức nhối kể từ khi lãnh đạo mới nắm quyền vào năm 2015. Luật cấm phá thai đã làm dấy lên các cuộc biểu tình lớn ở các thành phố của đất nước.
Tại châu Mỹ Latinh và Caribe, luật phá thai nhìn chung rất nghiêm ngặt. Cụ thể, ở Brazil, thủ thuật này là bất hợp pháp ngoại trừ một số trường hợp nhất định như dị tật thai nhi hoặc nếu người phá thai là nạn nhân trong một vụ cưỡng hiếp. Trong những trường hợp còn lại, người phá thai có thể phải đối mặt với 3 năm tù giam.
Ở Nicaragua và El Salvador, phá thai là hoàn toàn bất hợp pháp trong mọi trường hợp và án tù dành cho người phá thai tại El Salvador có thể kéo dài tới 40 năm. Tổ chức nhân quyền Amnesty International nhận định: "Những luật như vậy có thể dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử và từ chối một số quyền cơ bản nhất của con người trong cuộc sống".