Người tị nạn tại Cailas Jungle. Ảnh: EPA |
Bất chấp sự phản kháng quyết liệt trong những ngày qua của những người di cư, cảnh sát Pháp đã dỡ bỏ các khu lán trại tạm thời của người Sudan. Theo giới chức Pháp, có khoảng 800 đến 1.000 người tị nạn đang cư trú trái phép tại khu vực này.
Chính quyền Pháp quyết tâm dỡ bỏ 60% khu lán trại được gọi là trại "Jungle" tại Calais. Dưới áp lực của cảnh sát, những người di cư không có cách nào khác buộc phải ra đi. Tuy nhiên, vẫn xảy ra đụng độ giữa người di cư và lực lượng cảnh sát chống bạo động
Ông Vincent Berton, một quan chức địa phương, thừa nhận sẽ phải mất nhiều thời gian để có thể xóa bỏ 2/3 số lán trại tại Calais.
Trại tị nạn "Jungle" này là nơi hàng nghìn người di cư trốn chạy chiến tranh và nghèo đói đến từ Trung Đông và châu Phi tạm trú chờ cơ hội tới Anh bằng cách vượt eo biển Manche trên những chiếc thuyền tự làm, hoặc qua tuyến đường hầm Eurotunnel.
Theo giới chức địa phương, hiện có khoảng 3.700 người di cư tạm trú tại trại tị nạn này và khoảng 800 tới 1.000 người sẽ phải rời đi theo quyết định mới của tòa án. Tuy nhiên, số liệu từ các tổ chức nhân đạo lại cho thấy ít nhất 3.450 người hiện đang sống tại khu vực phía Nam trại tị nạn này, trong đó có khoảng 300 trẻ em không có cha mẹ đi cùng.
Quyết định giải tán khu vực phía Nam của trại tị nạn trước đó đã vấp phải kháng nghị của nhiều tổ chức nhân đạo trong khi nhiều người di cư cũng muốn ở lại đây để đảm bảo khoảng cách gần nhất tới đường hầm Eurotunnel để trốn sang Anh.
Đức và Tunisia đẩy nhanh hồi hương người nhập cư
Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere thăm Tunisia ngày 1/3 cho biết hai nước đã nhất trí đẩy nhanh việc hồi hương những người nhập cư trái phép từ quốc gia Bắc Phi này. Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Tunis, Bộ trưởng Thomas de Maiziere cho biết nhóm 20 công dân Tunisia đầu tiên sẽ sớm được hồi hương, theo kết quả đàm phán giữa Berlin và các nước "nhóm Maghreb" gồm Algeria, Maroc và Tunisia về việc nhận trở lại số người di cư. Đổi lại, Đức cam kết sẽ hỗ trợ tài chính cho các chương trình tiếp nhận người di cư hồi hương tại những nước này.
Thời gian qua, với hy vọng có thể xin tị nạn tại các nước châu Âu, hàng nghìn người từ khu vực Bắc Phi đã nhận là công dân đến từ các nước bị chiến tranh tàn phá như Syria, Iraq hay Afghanistan để được nhập cư vào các nước ở lục địa già. Sau khi tiếp nhận hơn 1 triệu người nhập cư hồi năm ngoái, Đức đang tìm cách giảm số lượng người tị nạn tại nước này, trong đó có việc thông qua một đạo luật công nhận các nước "nhóm Maghreb" là những "quốc gia an toàn", có nghĩa là người tị nạn tới Đức từ các nước này hầu như không có cơ hội được ở lại Đức và thời gian xét hồ sơ trục xuất họ sẽ được rút ngắn đáng kể.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm của Bộ trưởng De Maiziere tới Tunisia, hai bên đã thảo luận và nhất trí tìm biện pháp thúc đẩy hợp tác an ninh song phương, chống lại chủ nghĩa khủng bố. Cụ thể, Đức sẽ hỗ trợ đào tạo các binh sĩ Tunisia canh giữ khu vực biên giới giữa nước này và Libya, nơi người nhập cư tìm cách tràn vào ồ ạt, đồng thời thường xuyên hứng chịu các vụ tấn công của các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Trong ngày 1/3, ông De Maiziere đã đại diện chính phủ Đức trao tặng Tunisia nhiều trang thiết bị quân sự, trong đó có các xe quân sự, áo chống đạn và các thiết bị quan sát trong bóng đêm. Tunisia là chặng dừng chân cuối cùng của Bộ trưởng Nội vụ Đức trong chuyến công du khu vực "Maghreb". Các cuộc thảo luận tại ba nước được Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere nhận định chung là "đạt hiệu quả".