Tờ Straits Times dẫn lời Giám đốc Y tế Noor Hisham Abdullah cho biết biến thể D614G được tìm thấy trong 4 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại 2 cụm dịch ở nước này, bao gồm cụm Sivagangga và cụm Ulu Tiram.
“D614G nhân bản nhanh hơn trong hệ thống hô hấp, có khả năng lây nhiễm từ người sang người cao hơn tới 10 lần. Biến thể này cũng dễ dàng lây lan thông qua một trường hợp 'siêu lây nhiễm'”, ông Hisham nói và cho biết chủng virus này đã được tìm thấy trong các xét nghiệm sơ bộ tại nước này. Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục xét nghiệm các trường hợp mắc bệnh khác, bao gồm cả trường hợp mắc bệnh cùng chùm lây.
Theo ông Hisham, việc phát hiện ra biến thể mới có nghĩa là mọi người cần phải cẩn trọng hơn và tiếp tục tuân theo các quy định phòng dịch một cách nghiêm ngặt. Người dân cần thực hành các biện pháp an toàn như giãn cách xã hội, vệ sinh cá nhân và đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Giám đốc Y tế Malaysia cũng nói thêm rằng biến thể D614G được các nhà khoa học phát hiện từ tháng 7/2020, có thể khiến nghiên cứu vaccine hiện tại chưa hoàn thiện hoặc không hiệu quả đối với chủng virus mới. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng hành động nhanh chóng của các cơ quan y tế Malaysia đã kiểm soát được sự lây lan của virus từ các chùm lây nhiễm.
Giáo sư Nick Loman của Đại học Birmingham, thành viên Hiệp hội COVID-19 Genomics UK (COG-UK), cho biết biến thể D614G không có độc tính mạnh hơn chủng virus ban đầu được tìm thấy ở Vũ Hán, nhưng kết quả nghiên cứu trên 40.000 bộ gen tại Anh cho thấy D614G có tốc độ lây nhiễm trên người nhanh hơn. Theo Giáo sư Loman, biến thể D614G hiện chiếm tới 75% trong các ca mắc COVID-19 trên toàn cầu và trước đó cũng đã được phát hiện ở một số khu vực khác trên thế giới.
Theo trang Bloomberg, biến thể này được tìm thấy ở ít nhất 3 trong số 45 trường hợp bị lây nhiễm từ một chủ nhà hàng trở về từ Ấn Độ và vi phạm tự cách ly tại nhà trong 14 ngày. Chủ nhà hàng này này đã bị kết án 5 tháng tù giam và bị phạt tiền. Đồng thời, biến thể này cũng được tìm thấy trong một ổ dịch khác liên quan đến những người trở về từ Philippines.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hiện chưa có bằng chứng cho thấy chủng này dẫn đến một căn bệnh nghiêm trọng hơn. Một bài báo đăng trên Tạp chí Cell cho biết biến chủng này cũng không có khả năng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của các loại vắc-xin đang được nhiều nước phát triển.
Mặc dù Malaysia cơ bản đã ngăn chặn được sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19, nhưng trong những ngày gần đây, tình hình dịch COVID-19 tại Malaysia có dấu hiệu diễn biến phức tạp khi cơ quan chức năng nước này phát hiện thêm nhiều ổ dịch mới và tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng hiện vẫn ở mức cao.
Theo trang thống kê Worldometers, ngày 17/8, Malaysia đã ghi nhận thêm 25 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 9.200 trường hợp với 125 ca tử vong.