Theo Foxnews, thông qua giải trình tự gien, Phòng thí nghiệm Virus Lâm sàng Stanford đã xác nhận thông tin về ca mắc biến thể mới xuất hiện này. Biến thể có nguồn gốc từ Ấn Độ. Ít nhất có 7 ca có thể đã mắc biến thể Ấn Độ này.
Biến thể được gọi là “đột biến kép” vì nó có hai đột biến giúp virus bám vào các tế bào người.
Tiến sĩ Ben Pinsky, Giám đốc Phòng thí nghiệm Virus Lâm sàng Stanford, nói: “Nếu đi chung thang máy với ai đó nhiễm biến thể này, bạn có khả năng nhiễm biến thể đó cao hơn”.
Tiến sĩ Peter Chin-Hong, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, cho rằng biến thể này có thể lây lan mạnh hơn vì nó gây ra hơn 20% ca mắc ở bang Maharashtra ở Ấn Độ. Các ca bệnh ở bang này đã tăng 50% chỉ trong tuần trước.
Ngoài ra, xét về góc độ sinh học, biến thể mới sẽ dễ lây hơn vì có hai đột biến này nhưng điều này cần phải nghiên cứu thêm.
Ông Chin-Hong cho rằng hiện còn quá sớm để xác định biến thể Ấn Độ có khả năng khiến một người tái mắc COVID-19 hay không. Hiện cũng chưa rõ biến thể có kháng các kháng thể mà vaccine tạo ra hay không.
Một đột biến của biến thể Ấn Độ cũng tương tự như đột biến ở biến thể lần đầu được phát hiện ở California. Đột biến còn lại có trên các biến thể khác được phát hiện ở Brazil và Nam Phi.
Ông Chin-Hong nói: “Biến thể Ấn Độ này lần đầu tiên có hai đột biến trong cùng virus, chưa từng thấy ở các biến thể trước đó”.
Dù vậy, ông Chin-Hong cho rằng vaccine có thể có hiệu quả với biến thể Ấn Độ vì chúng có hiệu quả chống biến thể Nam Phi và California.