Giới thiệu từ tháng 3/2014, các lệnh trừng phạt của phương Tây được cho là sẽ cô lập Moskva, chặn đứng đường tiếp cận các nguồn tài cũng như thương mại chính vào nước này. Tuy nhiên, trong lúc các loại vũ khí tối tân của Nga, đặc biệt là hệ thống phóng tên lửa S-400 được các quốc gia khác săn đón, các lệnh trừng phạt của phương Tây dường như “không hiệu quả”.
Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đều ký kết hợp đồng giá trị hàng tỷ USD để mua S-400 của Nga trong năm 2018, ngay cả Trung Quốc đã nhận được lô hàng đầu tiên. Hiện các cuộc đàm phán về thương vụ vũ khí này cũng rục rịch khởi động giữa Điện Kremlin và Iraq, Saudi Arabia và Qatar.
“Không có nghi ngờ gì về việc cô lập Nga. Thậm chí còn chẳng có ai nói về việc đó nữa. Có nhiều đột phá quan trọng nhờ Trung Quốc và Ấn Độ… thông điệp ở đây là Nga vẫn luôn rộng mở với thương mại”, Tổng biên tập Tạp chí Xuất khẩu Vũ khí Nga Andrei Frolov trả lời báo Financial Times (FT).
Cũng theo báo trên, nhiều nhà ngoại giao và tài chính nhận định các phương pháp trừng phạt Moskva của Mỹ là một thất bại.
Theo FT, mối quan hệ ngày một sâu sắc hơn giữa Bắc Kinh và Moskva đã phá vỡ các nỗ lực của Mỹ muốn ngăn chặn việc tiếp cận các nguồn lực tài chính và thương mại đồng thời tăng cường vị thế của Điện Kremlin trên mặt trận ngoại giao thế giới.
Trong khi đó, Israel, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia tự hào về mối quan hệ nồng ấm với Moskva, cho phép quốc gia này mở rộng và tạo ảnh hưởng không nhỏ ở Trung Đông.
Nhu cầu về dầu và khí đốt Nga của châu Âu ngày càng tăng cùng với sự gia tăng đầu tư trực tiếp từ châu lục được minh chứng trong một loạt chuyến thăm cấp ngoại giao của các nhà lãnh đạo EU.
Andrei Bystritsky – Chủ tịch Hội đồng sáng lập và hỗ trợ Câu lạc bộ Valdai - chỉ ra: “Việc cô lập Nga là không thể, rõ ràng như vậy. Hiện có nhiều sự lựa chọn cho Moskva trên các đấu trường quốc tế”.
Trong khi đó, một nhà ngoại giao châu Á giấu tên tại Moskva nhận định: “Chúng ta có thể thấy khi tìm cách cô lập Nga, Mỹ lại đang tự cô lập chính mình. Ngay cả châu Âu còn đang tự phát triển chính sách của riêng mình với Nga”.
Trong khi mối quan hệ Mỹ-Nga vẫn chưa được định hình rõ rệt khi mới đây đảng Dân chủ lại giành được quyền kiểm soát Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ, thì nhu cầu về các sản phẩm của Nga trên toàn thế giới tiếp tục tăng cao. Bằng chứng mới nhất là thỏa thuận vũ khí trị giá 5 tỷ USD với Ấn Độ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ quan điểm của chính quyền đối với sự ảnh hưởng của Nga ngày càng tăng trên toàn cầu. "Chúng tôi sẽ tiếp tục theo sát các xu hướng thị trường vũ khí toàn cầu và cung cấp cho các đối tác các hình thức hợp tác tiện lợi và linh hoạt mới", Tổng thống Putin phát biểu tại một cuộc họp gần đây với các quan chức phụ trách bán vũ khí ra nước ngoài.