Điển hình, chính quyền thủ đô Bangkok mới đây đã phun nước pha đường lên không khí. Truyền thông địa phương đưa tin, nhằm làm giảm mức độ ô nhiễm nghiêm trọng ở Bangkok, cơ quan chức năng bắt đầu thử nghiệm phun nước đường lên trời thay vì nước bình thường.
Ý tưởng đằng sau phương pháp chống ô nhiễm kỳ lạ này là nhằm tăng độ nhớt của nước, giúp nó giữ được nhiều hạt nguy hiểm trong không khí hơn sau khi được xịt lên trời. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng cách thức này có thể gây hại nhiều hơn là lợi.
Theo trang tin Coconut Bangkok, Tiến sĩ Weerachai Putthawon chuyên ngành hóa hữu cơ tại Đại học Kasetsart đã bày tỏ sự nghi ngờ đối với ý tưởng nước đường sẽ đem lại kết quả tốt hơn nước thường.
Ông khẳng định tăng độ nhớt của nước sẽ không tạo ra nhiều khác biệt bởi vì thiết bị xịt không đủ mạnh để phun nước thành các hạt siêu nhỏ có thể bắt được bụi và hạt độc hại với kích cỡ chừng 2,5 micrô-mét.
Xem video bầu không khí ở Bangkok bị ô nhiễm trầm trọng (nguồn: Nine News Australia):
Các máy xịt nước ở Thái Lan hiện nay chỉ có thể giữ được hạt phân tử bé nhất là 10 micrô-mét. Hơn thế, việc thêm đường vào nước có thể làm mặt đất phía dưới hình thành các loại rêu, nấm mốc nguy hiểm.
Ngày 30/1, Thống đốc thành phố Bangkok yêu cầu đóng cửa tạm thời 437 trường học trong hai ngày để bảo vệ sức khỏe cho học sinh.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha cũng ra lệnh cho Bộ tư lệnh Các chiến dịch an ninh nội địa (ISOC) điều động binh sỹ kiểm tra các nhà máy ở các tỉnh của Thái Lan. Ông Prayut được truyền thông sở tại dẫn lời khẳng định: “Quân đội sẽ kiểm tra các nhà máy để phát hiện những nhà máy xả trái phép nước thải, rác thải và chất độc hại”. Đồng thời, ông cũng tuyên bố phương tiện giao thông và xe buýt công cộng xả ra khói đen sẽ bị thu giữ ngay lập tức.