Ngày 17/8, tờ The Sunday Times cho biết đã nhận được một tập tài liệu mật có tên gọi "Operation Yellowhammer" (Chiến dịch Búa Vàng). Tài liệu đề cập đến tương lai mà người Anh phải đối mặt khi xảy ra tình huống Brexit không thỏa thuận. Một khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào, quốc gia này sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn. Cơ sở hạ tầng bị tê liệt; lương thực, thuốc men bị thiếu hụt trầm trọng; giao thông bị gián đoạn, xã hội bất ổn kéo theo các cuộc biểu tình khắp nơi. Đây sẽ là những hậu quả tiềm tàng mà Anh phải đương đầu khi rời EU không đạt được thỏa thuận.
Phản ứng trước thông tin tài liệu bị rò rỉ trên, chính quyền Gibraltar (lãnh thổ hải ngoại của Anh) ngày 18/8 cho rằng các nội dung không chính xác và lỗi thời.
Cùng ngày, thông qua mạng xã hội Twitter, ông Michael Gove – Bộ trưởng Môi trường Anh, người chịu trách nhiệm chuẩn bị các phương án đối phó với bất kỳ hậu quả nào khi Anh rời EU – cho biết tập tài liệu bị rò rỉ chỉ miêu tả "trường hợp xấu nhất". Vị quan chức cấp cao nhấn mạnh chính phủ mới của Anh đang thực hiện các bước để giảm thiểu tác động của Brexit đối với nền kinh tế nước nhà.
Dẫn một nguồn tin giấu tên trong Chính phủ Anh, hãng tin Reuters cho biết tài liệu mật nói trên là do một cựu bộ trưởng cố tình làm rò rỉ để ngăn cản chính phủ hiện tại đạt được một thỏa thuận mới với EU.
Sau khi nhậm chức vào cuối tháng 7, tân Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định sẽ bằng mọi giá đưa nước Anh rời khỏi EU vào ngày 31/10. Thủ tướng Johnson tuyên bố chính quyền của ông đang tìm kiếm một thỏa thuận với EU, song cũng không loại trừ khả năng đình chỉ cơ quan lập pháp để ngăn chặn những nỗ lực của các nghị sĩ nhằm ngăn cản Brexit không thỏa thuận.
Tân Thủ tướng bày tỏ hy vọng sẽ tái đàm phán thỏa thuận trước đó mà người tiền nhiệm Theresa May đạt được, bất chấp Brussels nhiều lần phản đối ý tưởng thay đổi các điều khoản của thỏa thuận hiện có.
Thỏa thuận của cựu Thủ tướng May không giành được sự ủng hộ của số đông thành viên trong Quốc hội Anh vì nhiều nhà lập pháp cho rằng cơ chế “backstop” (lưới an ninh) có trong thỏa thuận là không phù hợp.
Theo điều khoản, cơ chế “backstop” được đưa ra nhằm ngăn chặn hình thành một đường biên giới “cứng” tại Ireland. Quy định cho phép Bắc Ireland vẫn được điều chỉnh theo các tiêu chuẩn châu Âu để tránh việc kiểm soát hàng hóa với Cộng hòa Ireland, có nghĩa là Bắc Ireland vẫn đứng trong liên minh thuế quan cho đến khi một giải pháp “biên giới mềm” đạt được.
Trong khi đó, London không chấp nhận cơ chế này vì sẽ ảnh hưởng đến sự toàn vẹn lãnh thổ và vi phạm hiến pháp của nước Anh. Không chỉ vậy, các nhà lập pháp bên phe phản đối tin rằng cơ chế này có thể bị lợi dụng để giữ Anh trong liên minh thuế quan vô thời hạn, vì cơ chế “backstop” không quy định thời hạn cụ thể và London không có đủ sức mạnh để đơn phương chấm dứt cơ chế.