Tổng thống Romania Klaus Iohannis mới đây chỉ trích Áo vì đã đơn phương ngăn cản nước này gia nhập khối Schengen.
"Một quốc gia thành viên duy nhất của EU đã chọn bỏ qua những thực tế và ngăn chặn sự nhất trí của châu Âu, theo một cách không thể giải thích được và khó hiểu đối với toàn bộ EU", ông Iohannis nói trong một tuyên bố.
"Thái độ đáng tiếc và phi lý của Áo có nguy cơ ảnh hưởng đến sự thống nhất và gắn kết của châu Âu, điều mà chúng ta rất cần, đặc biệt là trong bối cảnh địa chính trị hiện nay", nhà lãnh đạo Romania nhấn mạnh, đề cập đến cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra.
Trong khi đó, Thủ tướng Romania Nicolae Ciuca bày tỏ thất vọng đối với cuộc bỏ phiếu của Vienna, với những cáo buộc dựa trên những số liệu mà Romania đã chứng minh là không chính xác. Thủ tướng Ciuca cho biết Romania sẽ tiếp tục làm việc để bảo vệ biên giới bên ngoài của EU và chứng minh quyền được ở trong khối Schengen, vì việc tham gia khu vực không kiểm soát biên giới là mục tiêu chiến lược quốc gia.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Romania cho biết phiếu chống của Áo trong Hội đồng Tư pháp và Nội vụ châu Ấu đối với việc gia nhập khối Schengen là "hoàn toàn không thể chấp nhận được" khi Vienna là bên duy nhất phản đối Bucharest. Bộ này coi lập trường của Áo là "hoàn toàn không công bằng và thiếu động cơ khách quan".
Bộ Ngoại giao Romania đã triệu tập Đại sứ Áo tại Bucharest Emil Hurezeanu để thể hiện quan điểm của mình, cho rằng thái độ “không chính đáng và không thân thiện” của Áo sẽ dẫn đến những hậu quả “không thể tránh khỏi” đối với quan hệ hai nước.
Bộ trưởng Nội vụ Romania Lucian Bode thậm chí còn phản ứng mạnh hơn, cho rằng việc Vienna bỏ phiếu từ chối Bucharest là "chống lại toàn bộ EU và sự thống nhất của châu Âu".
Kết quả bỏ phiếu với sự phản đối của Áo là một đòn chính trị nặng nề đối với Romania, nước vốn đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu và hầu hết các nước EU, bao gồm cả hai cường quốc của khối là Đức và Pháp.
Ủy ban châu Âu đã nhiều lần khẳng định Romania sẵn sàng trở thành một phần của Schengen sau khi đáp ứng tất cả các điều kiện kỹ thuật và pháp lý, bao gồm quản lý biên giới và hợp tác với cảnh sát.
Nhưng tất cả sự ủng hộ trên cũng không đủ để vượt qua quyền phủ quyết của Áo. Vienna lập luận rằng dòng người xin tị nạn mới thông qua tuyến đường Tây Balkan là một lý do đủ mạnh để trì hoãn việc mở rộng Schengen.