Sau Sri Lanka, những nước nào cũng có nguy cơ lâm vào khủng hoảng?

Sri Lanka đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều năm gần đây. Nhưng Sri Lanka không phải là nền kinh tế duy nhất đang gặp khó khăn nghiêm trọng khi giá lương thực, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác đã tăng lên rất nhiều do cuộc chiến ở Ukraine.

Chú thích ảnh
Tình trạng thiếu thực phẩm ở Zimbabwe. Ảnh minh họa: AP

Theo đài VOA, các quốc gia như Afghanistan, Argentina, Ai Cập, Lào, Liban, Myanmar, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Zimbabwe cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế.

Ước tính rằng khoảng 1,6 tỷ người ở 94 quốc gia phải đối mặt với cuộc khủng hoảng liên quan đến lương thực, năng lượng hoặc hệ thống tài chính. Một báo cáo vào tháng trước của Nhóm Ứng phó Khủng hoảng Toàn cầu của Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết có 1,2 tỷ người sống ở các quốc gia đang trải qua “cơn bão hoàn hảo”. Thuật ngữ này có nghĩa là các cá nhân sống ở các quốc gia đó có nguy cơ cao bị khủng hoảng do chi phí gia tăng và các vấn đề dài hạn khác.

Mỗi quốc gia đều có những vấn đề riêng. nhưng tất cả đều có chung rủi ro gia tăng do lạm phát. Các nhà quan sát cho rằng một số chi phí đã tăng cao hơn do cuộc chiến của Nga và Ukraine. Ngân hàng Thế giới ước tính thu nhập bình quân đầu người ở các nước đang phát triển trong năm nay sẽ thấp hơn 5% so với trước đại dịch COVID-19.

Các vấn đề kinh tế cũng đang gây ra các cuộc biểu tình. Hoạt động vay nợ ngắn hạn với lãi suất cao để đối phó đại dịch đã làm gia tăng nợ cho các quốc gia vốn đang gặp khó khăn trong trả các khoản vay.

Liên hợp quốc cho biết hơn một nửa số quốc gia nghèo nhất trên thế giới đang gặp phải hoặc có nguy cơ đối mặt với các vấn đề nợ.

Dưới đây là một số quốc gia đang đối mặt với các vấn đề kinh tế nghiêm trọng.

Argentina

Chú thích ảnh
Hình ảnh mặt tiền của Ngân hàng Trung ương Argentina tại khu tài chính Buenos Aires, Argentina. Ảnh: Reuters

Cứ 5 người Argentina thì có 2 người là người nghèo và Ngân hàng Trung ương Argentina đang cạn kiệt ngoại tệ dành cho thương mại quốc tế. Đồng peso của quốc gia này tiếp tục mất giá. Lạm phát dự kiến ​​sẽ tăng hơn 70% trong năm nay.

Hàng triệu người Argentina sống nhờ các bếp ăn cung cấp đồ ăn và các chương trình hỗ trợ tài chính của nhà nước. Nhiều chương trình trong số đó do các tổ chức xã hội quyền lực có liên hệ với đảng cầm quyền tổ chức. Những người chỉ trích cho rằng thỏa thuận gần đây mà nước này đã thực hiện với Quỹ Tiền tệ Quốc tế để tái cơ cấu khoản nợ 44 tỷ USD có thể làm chậm quá trình phục hồi.

Liban

Chú thích ảnh
Một người tham gia cuộc biểu tình phản đối tình trạngđồng nội tệ Liban giảm giá và kinh tế khó khăn gần tòa nhà Ngân hàng Trung ương ở Beirut. Ảnh: Reuters

Người dân Liban đang trải qua một cuộc khủng hoảng tương tự như ở Sri Lanka. Giá trị đồng tiền của quốc gia đã sụp đổ. Tình trạng thiếu nhu yếu phẩm, lạm phát cao, nạn đói ngày càng gia tăng, hàng dài người chờ mua nhiên liệu và tầng lớp trung lưu suy yếu rất nhiều. Giống như Sri Lanka, Liban đã trải qua một cuộc nội chiến kéo dài. Bất đồng trong chính phủ và các cuộc tấn công khủng bố đã cản trở quá trình phục hồi.

Các mức thuế được đề xuất vào cuối năm 2019 đã làm người dân thêm giận dữ đối với các nhà lãnh đạo và dẫn đến các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng. Tiền tệ của quốc gia này bắt đầu giảm giá trị và Liban không thể trả các khoản vay tổng trị giá gần 90 tỷ USD vào thời điểm đó. Nợ của Liban ước tính vượt 170% GDP.

Đến tháng 6/2021, đồng tiền của Liban đã mất gần 90% giá trị. Ngân hàng Thế giới cho biết cuộc khủng hoảng ở Liban là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà thế giới từng chứng kiến ​​trong hơn 150 năm.

Thổ Nhĩ Kỳ

Chú thích ảnh
Người dân đi qua một cửa hàng đổi tiền ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ năm 2021. Ảnh: Getty Images

Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với điều kiện kinh tế khó khăn khi nước này thâm hụt thương mại và tiền đầu tư đang chảy ra khỏi đất nước. Thổ Nhĩ Kỳ đang có mức ​​nợ cao và ngày càng gia tăng, lạm phát trên 60% và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu sử dụng ngoại tệ để tránh khủng hoảng tiền tệ. Đó là sau khi đồng nội tệ lira giảm xuống giá trị thấp nhất mọi thời đại so với USD và euro vào cuối năm 2021.

Cắt giảm thuế và các khoản trợ cấp của chính phủ cho nhiên liệu đã làm suy yếu tài chính. Các gia đình đang gặp khó khăn trong mua thực phẩm và hàng hóa.

Nợ nước ngoài của Thổ Nhĩ Kỳ bằng khoảng 54% GDP. Mức đó là quá cao xét khoản nợ chính phủ cao như hiện nay.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Mô hình kinh tế Đức 'lung lay' do hàng loạt cuộc khủng hoảng
Mô hình kinh tế Đức 'lung lay' do hàng loạt cuộc khủng hoảng

Sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng giá rẻ từ Nga và nguyên liệu thô từ Trung Quốc đang khiến Chính phủ Đức "đau đầu".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN