Cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của Scotland đã chính thức bắt đầu từ sáng sớm 18/9 khi các điểm bỏ phiếu mở cửa đón cử tri. Người dân Scotland đứng trước một lựa chọn lịch sử: Trả lời có hay không với câu hỏi “Scotland có nên là một quốc gia độc lập?”.
“Có” hay “Không”?
Các hòm phiếu sẽ đóng cửa vào lúc 22 giờ (theo giờ mùa hè của Anh), tức 2 giờ ngày 19/9 theo giờ Việt Nam. Các điểm bỏ phiếu được tổ chức ở 32 khu vực. Kết quả sẽ được công bố sáng sớm ngày 20/9 (giờ địa phương). Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu được dự báo là cao kỷ lục, có thể là 88%. Trước đó, có tới 97% cử tri đủ tư cách, tương đương 4,3 triệu người, đã đăng ký tham gia cuộc trưng cầu ý dân lớn nhất trong lịch sử Scotland.
Biểu tình ủng hộ độc lập ở quảng trường George ở Glasgow, Scotland ngày 17/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đây là cuộc trưng cầu ý dân về độc lập đầu tiên của người Scotland trong lịch sử Vương quốc Anh. Để kêu gọi người dân ủng hộ độc lập, Thủ hiến Scotland, ông Alex Salmond, phát biểu trong cuộc tuần hành cuối cùng ngày 17/9 ở Perth: “Đây là cơ hội chỉ có một trong đời. Đó là giây phút quan trọng nhất, được trao quyền nhiều nhất mà chúng ta từng có”.
Cử tri Scotland cũng ý thức được tầm quan trọng của cuộc trưng cầu ý dân nên đã nườm nượp kéo đến các điểm bỏ phiếu. Cô Charlotte Farish, một cử tri ở điểm bỏ phiếu Edinburgh, cho biết: “Đây là một ngày quan trọng. Đây là quyết định sẽ tồn tại mãi mãi và sẽ ảnh hưởng đến con cái của tôi”.
Khắp các đường phố, cửa sổ nhà nào cũng có các biểu ngữ, huy hiệu cài áo, bánh có chữ YES (có) hoặc NO (không) để thể hiện quan điểm của cử tri. Theo quan sát của phóng viên, chữ YES đang áp đảo so với NO. Tuy nhiên, những người tham gia chiến dịch phản đối độc lập cho biết có nhiều cử tri nói không nhưng họ không thể hiện điều đó ra ngoài.
Trước giờ bỏ phiếu, người ta khó có thể biết trước được kết quả khi tỷ lệ người ủng hộ và phản đối gần bằng nhau, trong khi có tới 350.000 người chưa có quyết định.
Hiện trạng thay đổi
Dù cử tri Scotland nói “Có” hay “Không” với độc lập, thì mọi thứ sau cuộc trưng cầu ý dân sẽ không bao giờ như xưa. Thủ tướng Cameron nói trong bài phát biểu cuối cùng nhằm thuyết phục Scotland ở lại: “Hiện trạng đã không còn nguyên. Sẽ không thể trở lại như cũ. Dù kết quả bỏ phiếu là ‘không’ thì mọi thứ cũng thực sự thay đổi”. Ông Cameron còn ví von: “Độc lập sẽ không phải là một cuộc ly thân thử, nó sẽ là một cuộc ly hôn đau đớn”.
Nếu đa số người dân “xứ sở kèn túi” ủng hộ tách khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen, Scotland sẽ chính thức độc lập vào ngày 24/3/2016 sau khi giải quyết “thủ tục ly hôn” với các khu vực còn lại của Liên hiệp. Scotland sẽ chấm dứt tư cách là một thành viên của Vương quốc Anh kéo dài hơn 300 năm qua, và việc này có thể dẫn tới Thủ tướng Anh David Cameron phải từ chức, đặt ra nhiều thách thức về vị thế của Anh trên trường quốc tế.
Trong trường hợp tách ra, chính phủ Anh cho biết Scotland sẽ không được tiếp tục sử dụng bảng Anh làm tiền tệ chính thức và tham gia liên minh tiền tệ với các khu vực khác của Vương quốc Anh. Trong khi đó, Thủ hiến Salmond nói rằng Scotland sẽ không chia sẻ gánh nợ quốc gia với Vương quốc Anh trừ khi được dùng đồng bảng Anh. Ông Salmond cũng mong muốn Nữ hoàng Elizabeth sẽ tiếp tục là nguyên thủ quốc gia của Scotland.
Còn trong trường hợp cử tri quyết định ở lại với Liên hiệp Anh, Scotland sẽ được trao quyền lực mới về các lĩnh vực như thuế và phúc lợi, theo lời hứa hẹn của các lãnh đạo Anh.
Ông Cameron và Thủ hiến Scotland hồi tháng 10/2012 đã ký Thỏa thuận Edinburgh, theo đó cho phép Scotland tổ chức trưng cầu ý dân về độc lập vào mùa thu năm 2014. Ông Cameron, vốn không được lòng người dân Scotland, đã bị dư luận Anh chỉ trích mạnh mẽ vì không sớm xem xét nghiêm túc vấn đề độc lập của Scotland.
Thùy Dương