Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, Chủ nhiệm Văn phòng Lãnh đạo Quốc hội Grace Fu sẽ trình dự luật sửa đổi này để Quốc hội xem xét vào tuần tới. Đạo luật sẽ giúp tăng cường khả năng hoạt động của Quốc hội trong những tình huống khẩn cấp.
Dự luật trên cũng đưa ra các biện pháp để bảo đảm tính liên tục trong các hoạt động của Quốc hội, theo đó trong trường hợp bất khả kháng, không an toàn hoặc không thiết thực, Quốc hội có thể sẽ họp từ nhiều nơi khác nhau. Hiện Hiến pháp Singapore quy định Quốc hội buộc phải họp từ một nơi duy nhất là nghị trường.
Trong trường hợp được Quốc hội thông qua, luật sẽ có thời hạn áp dụng trong 6 tháng. Khi hết hạn, đạo luật có thể được Quốc hội kích hoạt lại bất kỳ lúc nào nếu thấy cần thiết. Ngoài ra, Quốc hội cũng có thể ra nghị quyết vô hiệu hoá đạo luật này khi không còn cần thiết.
Động thái trên được coi là biện pháp hỗ trợ việc thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội trong và sau đại dịch COVID-19 tại Singapore. Hồi đầu tháng 4, Nội các Singapore cũng đã triển khai họp trực tuyến từ 2 nơi.
Đến thời điểm này, "đảo quốc Sư tử" đã ghi nhận 14.423 ca nhiễm, trong đó có 14 ca tử vong vì COVID-19. Giới chuyên gia kinh tế Singapore ước tính tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ lên tới 4% trong năm 2020 và hầu hết những người mất việc làm trong lĩnh vực bán lẻ, hàng không và các ngành nghề liên quan đến du lịch.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng OCBC Selena Ling, tỷ lệ thất nghiệp của Singapore có thể vượt quá con số 4% do những lo ngại việc kéo dài các biện pháp cách ly xã hội và trên thực tế chưa thấy có dấu hiệu tích cực về việc bào chế thành công vaccine phòng chống COVID-19.
Chuyên gia kinh tế Chua Hak Bin của ngân hàng Maybank thậm chí còn đưa ra con số dự báo cao hơn, lên tới hơn 5%, tức là cao hơn tỷ lệ thất nghiệp trong thời gian diễn ra đại dịch viêm đường hô hấp cấp SARS 2003 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009. Ông Chua Hak Bin cũng dự báo kinh tế Singapore sẽ suy giảm khoảng 7%.
Theo chuyên gia Chua Hak Bin, số người lao động mất việc làm có thể lên tới từ 150.000 – 200.000 người, với hơn một nửa là các lao động người nước ngoài và những người này sẽ không được tính vào tỷ lệ thất nghiệp do họ sẽ buộc phải rời khỏi Singapore. Trong khi đó, chuyên gia Selena Ling đưa ra con số mất việc làm khoảng từ 65.000 đến 100.000 với tỷ lệ thất nghiệp vào khoảng 5%.
Trong những tuần gần đây, một số nhà tuyển dụng cho hay các hồ sơ xin việc đã tăng khoảng 10%, nhất là từ các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất như bán lẻ, du lịch và hàng không. Các vị trí việc làm dễ bị cắt giảm nhất vào lúc này là những vị trí giao tiếp với khách hàng do có nguy cơ bị thay thế bởi hoạt động tự động hóa, cũng như các vị trí công việc không thể được thực hiện từ xa.