Theo đài RT (Nga), ông Nad cáo buộc các máy bay chiến đấu MiG-29 của Quân đội Slovakia do Liên Xô sản xuất có thể đã bị các kỹ sư Nga từng bảo trì chúng tại Căn cứ Không quân Sliac (Slovakia) hồi năm ngoái, phá hỏng một cách có chủ ý trước khi được chuyển giao cho Ukraine.
“Cảnh sát đang tiến hành điều tra dựa trên nghi vấn của chúng tôi. Có một số bộ phận động cơ chỉ kỹ thuật viên Nga được tiếp cận. Các vấn đề đều xuất hiện ở những linh kiện này”, Bộ trưởng Nad cho hay.
Ông nói thêm rằng dù cuộc điều tra chưa chứng minh được bất kỳ ý định nào từ phía các kỹ sư Nga, song Bộ Quốc phòng Slovakia “cảm thấy mất niềm tin vào các kỹ thuật viên này” vì những sai lầm liên tục xuất hiện “ở những bộ phận mà chỉ họ mới có thể tiếp cận”.
Tướng Lubomir Svoboda, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Slovakia, khẳng định nhóm kỹ thuật viên Nga am hiểu tiêm kích MiG-29 hơn các đồng nghiệp Slovakia. Họ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động duy trì khả năng vận hành của dòng tiêm kích này. Tuy nhiên, ông cũng tỏ ra nghi ngờ về tay nghề và ý định thật sự của họ.
“Chúng tôi tiếp nhận động cơ với 350 giờ bay, nhưng cuối cùng nó chỉ vận hành được 70 giờ. Chúng tôi có thể kết luận như thế nào về điều đó?” ông Svoboda nói thêm.
Theo trang Euractiv, tuyên bố của ông Nad được đưa ra sau khi cựu Thủ tướng Slovakia Robert Fico chỉ trích chính phủ nước này vì đã viện trợ những chiếc máy bay có giá trị cho Kiev.
Tháng trước, Chính phủ Slovakia tuyên bố sẽ cung cấp 10 chiếc MiG có động cơ và 3 chiếc khác không có động cơ cho lực lượng Ukraine. Theo các quan chức Ukraine, 4 trong số các máy bay đã được chuyển giao và đang tuần tra trên bầu trời Kharkov, trong khi 9 chiếc còn lại dự kiến sẽ đến Ukraine trong tương lai gần.
Về phần mình, Đại sứ quán Nga tại Slovakia đã chỉ trích các quan chức gửi máy bay chiến đấu đến Ukraine, cho rằng hành động này là “bất hợp pháp” vì điều này cần có sự chấp thuận của Moskva theo các thỏa thuận song phương. Đại sứ quán Nga cũng cảnh báo rằng động thái chuyển giao này có thể dẫn đến “leo thang xung đột không thể đoán trước và nguy hiểm”.
Trước đó, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã tuyên bố rằng những chiếc MiG-29 sẽ bị lực lượng Nga phá hủy giống như bất kỳ loại vũ khí nào khác của phương Tây được gửi đến Ukraine. Ông Peskov cũng cho biết kế hoạch của Slovakia gửi máy bay chiến đấu MiG-29 tới Ukraine giống như nỗ lực thanh lý các thiết bị cũ mà họ không cần nữa.
“Đây là một ví dụ khác về cách một số quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang tăng cường can dự trực tiếp vào cuộc xung đột”, ông nói thêm.
Tháng trước, Chính phủ Slovakia đã phê chuẩn kế hoạch gửi 13 tiêm kích MiG-29 cho Ukraine, nhưng phần lớn số này trong tình trạng không thể hoạt động. Quyết định này khiến Slovakia trở thành nước thứ hai cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine, sau khi Ba Lan thông báo sẽ chuyển 4 tiêm kích MiG-29 cho quốc gia Đông Âu.
Slovakia loại biên 11 chiếc MiG-29 cuối cùng trong biên chế hồi tháng 8 năm ngoái, phần lớn máy bay trong tình trạng không thể hoạt động. Những chiếc còn khả năng vận hành sẽ được cung cấp nguyên vẹn, số còn lại được tháo ra để lấy phụ tùng.
Năm ngoái, Thủ tướng Eduard Heger nhấn mạnh Slovakia đang muốn chấm dứt phụ thuộc vào tiêm kích MiG, bởi quốc gia này không thể duy trì khí tài từ thời Liên Xô nếu không tiếp tục giữ quan hệ với Nga.
“Đó cũng là loại vũ khí chúng tôi muốn từ bỏ, bởi chúng tôi đang chờ đợi tiêm kích F-16”, ông nói đề cập đến dòng chiến đấu cơ mà Slovakia sẽ nhận vào năm 2024.