Tại Đông Nam Á, Thái Lan ghi nhận thêm 3.440 ca mắc COVID-19 và ca tử vong, nâng tổng số các ca mắc và không qua khỏi lên lần lượt 165.462 ca và 1.107 ca, trong đó riêng đợt bùng phát làn sóng thứ 3 từ đầu tháng 4 đến nay ghi nhận 136.599 ca nhiễm.
Cùng với việc tích cực dập các ổ dịch trong nước, Chính phủ Thái Lan đang theo dõi chặt chẽ dòng người từ Campuchia đổ vào tỉnh biên giới phía Đông Sa Kaeo gần đây do lo ngại nhiều người trong số đó có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết trong tháng này, chính phủ dự kiến mua thêm vaccine phòng COVID-19, sử dụng ngân sách thường xuyên và ngân sách đặc biệt cũng như các khoản vay để mua vaccine. Thái Lan sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà vào ngày 7/6 với mục tiêu là có 70% dân số được tiêm mũi đầu tiên vào cuối tháng 9.
Lào ghi nhận 5 ca mắc mới trong 24 giờ qua, gồm 4 ca lây nhiễm cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn và 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay ở tỉnh khác. Tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.934 ca mắc COVID, trong đó đã chữa khỏi 1.637 trường hợp và 3 ca tử vong.
Do tình hình dịch bệnh trên cả nước có dấu hiệu hạ nhiệt, Lào vừa cho đóng cửa thêm 1 bệnh viện dã chiến có 300 giường ở thủ đô Viêng Chăn. Tuy nhiên, Bộ Y tế Lào kêu gọi người dân không chủ quan, lơ là bởi Lào vẫn chưa kiểm soát được hoàn toàn sự lây lan của làn sóng dịch lần này trong khi tỉ lệ tiêm vaccine vẫn thấp.
Chính phủ Lào cũng đang nỗ lực để tìm kiếm thêm nguồn vaccine nhằm hoàn thành mục tiêu tiêm ít nhất cho 50% dân số trong năm 2021. Đến nay, Lào đã tiêm được 914.021 liều vaccine, trong đó số người được tiêm mũi thứ hai là 249.355 người.
Cục Cảnh sát nhập cư Lào sẽ tăng cường sàng lọc tất cả các trường hợp nhập cảnh, bao gồm cả các chuyên gia và người nước ngoài làm việc cho các dự án phát triển, để đảm bảo mọi trường hợp nhập cảnh đều được xét nghiệm và tất cả những người mới đến đều được cách ly, sau khi nước này phát hiện nhiều ca mắc mới là người nhập cảnh.
Campuchia thông báo số ca mắc COVID-19 mới ở nước này đã tăng trở lại, lên mức 750 ca trong 24 giờ qua, sau thời gian luôn ở mức trên dưới 500 ca/ngày trong những tuần gần đây. Trong số các ca mắc mới có 34 ca nhập cảnh và 716 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia kể từ đầu mùa dịch đến nay lên 31.460 ca, trong đó có 24.042 người khỏi bệnh và 230 ca tử vong. Campuchia cũng phát hiện nhiều ca nhiễm ở bên ngoài thủ đô Phnom Penh thuộc các tỉnh Banteay Meanchey, Kampong Cham, Kampong Chhnang, Takeo, Prey Veng và Svay Rieng.
Hiện tại, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại tất cả 25 tỉnh, thành của Campuchia. Trong khi đó, chiến dịch tiêm phòng COVID-19 tại Campuchia đang được đẩy nhanh hơn trước nhờ quản lý hiệu quả chiến lược tiêm phòng cùng với nỗ lực của chính phủ. Báo cáo ngày 31/5 của Bộ Y tế Campuchia, hơn 2,6 triệu người ở nước này đã được tiêm phòng COVID-19, tương đương 26,25% trong tổng số 10 triệu người theo mục tiêu sẽ được tiêm phòng để đạt miễn dịch cộng đồng tại quốc gia này.
Malaysia thông báo thêm 7.703 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số ca bệnh tại nước này lên 587.165. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận số ca nhiễm mới trên 7.000 ca/ngày. Cùng với sự gia tăng trở lại về số ca mắc mới, ngày 2/6, Malaysia lần đầu ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 vượt con số 100 ca/ngày, cụ thể là 126 ca, nâng tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại nước này lên là 2.993 ca.
Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 24 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 14 ca nhập cảnh và 10 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại tỉnh Quảng Đông. Trong số 10 ca mắc mới ở tỉnh Quảng Đông có 7 ca được phát hiện ở thành phố Quảng Châu và 3 ca ở thành phố Phật Sơn. Thành phố Quảng Châu, "tâm chấn" của đợt bùng phát dịch COVID-19 cục bộ mới nhất ở Trung Quốc lần này, đã ghi nhận tổng cộng 41 ca mắc trên địa bàn từ ngày 21/5 đến ngày 1/6.
Tính đến ngày 1/6, Trung Quốc có tổng cộng 91.146 ca mắc COVID-19, trong khi số trường hợp không qua khỏi vẫn là 4.636 ca.
Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cũng thông báo 549 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, tăng mạnh so với 327 ca lây nhiễm cộng đồng thông báo ngày 1/6
Ấn Độ thông báo thêm 132.788 ca mắc và 3.207 ca tử vong trong 24 giờ qua. Hiện quốc gia Nam Á này đã ghi nhận hơn 28,3 triệu ca mắc, trong đó có 335.102 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, chính quyền thành phố Melbourne, lớn thứ hai tại Australia, gia hạn lệnh phong tỏa tại thành phố thêm 7 ngày trong nỗ lực kiểm soát một ổ dịch với hàng trăm ca mắc COVID-19 tại đây. Theo đó, tất cả người dân thành phố này chỉ được phép ra khỏi nhà trong 5 trường hợp gồm mua thức ăn và vật dụng thiết yếu, đi làm, khám bệnh, tập thể dục tối đa 2 giờ mỗi ngày và đi tiêm chủng. Tuy nhiên, các học sinh trung học phổ thông chuẩn bị thi cuối kỳ sẽ được phép trở lại học trên lớp, trong khi một số lao động ngoài trời cũng có thể nối lại công việc của họ.
Lệnh phong tỏa dự kiến sẽ được dỡ bỏ đối với người dân bang Victoria sinh sống bên ngoài thành phố Melbourne, song một loạt biện pháp hạn chế khác vẫn tiếp tục được duy trì, đơn cử như quy định giới hạn số lượng người tới dự đám cưới hoặc đám tang.
Kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, thành phố Melbourne đã 4 lần thực hiện lệnh phong tỏa. Đợt bùng phát dịch lần này được cho là xuất phát từ việc một du khách trở lại Australia đã nhiễm biến thể Kappa (B.1.617.1) có nguồn gốc từ Ấn Độ. Các cơ quan chức năng đã xác định hàng nghìn người tiếp xúc gần và lập danh sách những địa điểm có liên quan tới 60 ca được xác định mắc COVID-19, và cho tới nay số ca mắc đã lên đến 350 ca.
Ngày 2/6, Tổ chức y tế thế giới (WHO) bày tỏ quan ngại về tình hình dịch COVID-19 tại Nam Mỹ, cảnh báo các đợt bùng phát dịch tại đây đang diễn biến xấu đi. Ông Michael Ryan, Giám đốc Chương trình y tế khẩn cấp thuộc WHO, lưu ý rằng trong số 10 quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới vào tuần trước thì có 8 nước ở châu Mỹ. Theo ông Ryan, sự lây lan dịch bệnh tại Nam Mỹ đang căng thẳng, lây nhiễm trong cộng đồng trên diện rộng trong khi hệ thống y tế quá tải và tỷ lệ tử vong cao. Ông Ryan nêu rõ tỷ lệ xét nghiệm có kết quả dương tính với COVID-19 tại nhiều nước Nam Mỹ vẫn ở mức "cao đáng kể", trong đó Paraguay là 37%, Argentina là 33% và Colombia là 30%.
Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Peru ngày 1/6 công bố số ca tử vong do COVID-19 ở nước này là 180.764 ca, cao gấp đôi con số thống kê chính thức 69.342 ca trước đó, sau khi các chuyên gia phát hiện có nhiều trường hợp tử vong chưa được thống kê. Như vậy, Peru trở thành quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 tính trung bình trên đầu người cao nhất thế giới.