Các y, bác sĩ tại bệnh viên Đại học Y khoa UW ở thành phố Madison, bang Wisconsin, đang phải chạy đua với thời gian để chuyển đổi một bãi đất trống thành khu điều trị các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh các cơ sở y tế của bang này đang bị quá tải. Một khu hồi sức tích cực tại bệnh viện này đã được thiết lập trong tuần này trước thời hạn và cơ sở này nhanh chóng đã kín bệnh nhân.
Bác sĩ Jeff Pothof của Bệnh viên Đại học Y khoa UW cho hay, trong ngày 28/10, bệnh viện đã tiếp nhận số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 nhiều chưa từng có, gây trở ngại cho việc điều trị và mối quan ngại lớn nhất hiện nay là lực lượng y bác sĩ hồi sức tích cực.
Theo phân tích của Reuters, Wisconsin, một bang chiến địa trong cuộc bầu cử tổng thống 2020 và là một trong số 36 bang ghi nhận tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nhập viên tăng ít nhất 10% so với tuần trước.
Trợ lý Bộ trưởng Y tế Mỹ Brett Giroir thừa nhận nước Mỹ đang ở bước ngoặt trong việc ứng phó với đại dịch trong bối cảnh số ca mắc mới tăng tại hầu hết các bang ở nước này, và lưu ý giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, hạn chế các sự kiện trong nhà quy mô nhỏ là những biện pháp hữu hiệu để kiểm soát dịch bệnh. Ông đồng thời cảnh báo chính quyền địa phương có thể ban hành nhiều biện pháp hà khắc nếu người dân không tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng dịch.
Riêng trong ngày 27/10, trên 44.000 bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện, mức cao nhất kể từ ngày 15/8 và tăng 40% trong tháng 10 này. Số ca mắc mới trong cùng ngày tại Mỹ là 74.000 trường hợp, trong khi số ca tử vong là 1.000 ca.
Tỷ lệ nhập viện tăng mạnh nhất tại bang Texas với gần 1.000 trường hợp trong ngày 27/10, tăng 20% so với một tuần trước. Trước tình hình nghiêm trọng này, chính quyền thành phố El Paso thuộc bang Texas đã lập bệnh viện dã chiến tại trung tâm hội nghị của bang để điều trị các bệnh nhân COVID-19.
Một số bang cũng ghi nhận tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nhập viện tăng kỷ lục gồm Arkansas, Indiana, Iowa, Kentucky, Minnesota, Nebraska, New Mexico, Ohio, South Dakota, West Virginia, Wisconsin và Wyoming.
Bên cạnh đó, giới chức bang Wiscosin yêu cầu người dân tự nguyện cách ly khi có thể, đeo khẩu trang, hủy các cuộc tụ họp với trên 5 người tham gia.
Tương tự, Thống đốc bang Rhode Island, Gina Raimondo khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với những người cần gặp. Bang Rhode Island đang chật vật ứng phó với số ca mắc mới gia tăng bởi tình trạng này khiến hệ thống truy vết của bang hoạt động quá tải. Theo Thống đốc Raimondo, chính quyền bang có kế hoạch thuê 100 thiết bị định vị để tăng cường hệ thống truy vết F0.
Thống kê cho thấy số ca mắc COVID-19 mới tại Mỹ đã tăng 25% trong tuần trước, lên gần 500.000 người trong khi tỷ lệ xét nghiệm tăng 6%.
* Cùng ngày, tại Canada, Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland đã lên tiếng phản đối lời kêu gọi cắt giảm gói chi tiêu khẩn cấp, nhấn mạnh khoản ngân sách này sẽ giúp quốc gia Bắc Mỹ này vượt qua đại dịch COVID-19 và phát triển trong dài hạn.
Tuyên bố của bà Freeland được đưa ra tại Diễn đàn toàn cầu Toronto trong bối cảnh xuất hiện nhiều ý kiến chỉ trích về mức chi tiêu "không kiểm chứng" của chính phủ sau khi giải ngân hơn 300 tỷ CAD (226 tỷ USD) trong gói cứu trợ COVID-19 cho các cá nhân và doanh nghiệp. Mức chi này tương đương 14% GDP của Canada.
Theo Bộ trưởng Freeland, việc bỏ rơi người dân và các doanh nghiệp Canada vào thời điểm này là "tàn ác" và việc giảm mức chi hỗ trợ là sai lầm về kinh tế. Bà nhấn mạnh khoản giải ngân trên sẽ giúp tốc độ kinh tế hồi phục nhanh hơn và toàn diện hơn. Bà Freeland cho hay mức chi tiêu của chính phủ nhằm đối phó với đại dịch sẽ được hạn chế và mang tính tạm thời.
Trên thực tế, kinh tế Canada có dấu hiệu cải thiện. Ngân hàng trung ương Canada mới đây điều chỉnh tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2020, theo đó nước này suy giảm 5,5%, thay vì mức sụt giảm 7,8% trong báo cáo tài chính công bố hồi tháng 7.
Theo Cơ quan Y tế Công cộng Canada, cho tới nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 224.889 ca mắc COVID-19 và 10.026 ca tử vong. Mỗi ngày, trung bình nước này ghi nhận 2.743 ca mắc mới.