Đây là số ca mắc mới theo ngày cao nhất trong hơn 2 tháng qua tại Trung Quốc đại lục, kể từ ngày 9/8 ghi nhận 49 ca.
Theo NHC, các ca lây nhiễm trong nước đều là những ca không triệu chứng, phát hiện tại vùng tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Không có thêm ca nghi nhiễm hay ca tử vong nào vì dịch bệnh này tại Trung Quốc đại lục trong ngày 28/10. Tính đến nay, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 85.915 ca mắc COVID-19 trong đó 4.634 ca tử vong.
Tại Nhật Bản, một nhóm chuyên gia của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (MHLW) đã lên tiếng cảnh báo về sự gia tăng số ca mắc mới COVID-19 ở nước này.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, hãng tin Jiji Press dẫn báo cáo dẫn báo cáo của nhóm chuyên gia cho biết số ca mắc mới COVID-19 tại Nhật Bản đã bắt đầu tăng nhẹ kể từ đầu tháng 10. Tỷ lệ người nhiễm virus SARS-CoV-2 trên 100.000 dân trên toàn quốc đã tăng từ 2,84 trong tuần từ 6-12/10 lên 2,95 trong tuần từ 13 đến 19/10 và tiếp tục tăng lên 3,21 trong tuần từ 20 đến 26/10.
Trong khi đó, hệ số lây nhiễm hiện vẫn ở mức trên 1, tức là một người nhiễm virus có thể lây bệnh cho ít nhất 1 người khác. Tính theo địa phương, cho đến ngày 11/10, hệ số này ở tỉnh Hokkaido là 1,9; Tokyo 0,75; Aichi 1,04; Osaka 1,39; Fukuoka 0,96; và Okinawa 1,83.
Chỉ riêng ngày 28/10 Nhật Bản ghi nhận thêm 731 ca nhiễm mới trên cả nước, trong đó 171 ca ở thủ đô Tokyo, và 5 người tử vong vì COVID-19. Đây là ngày thứ 9 liên tiếp số ca nhiễm mới tại Tokyo ở mức trên 100.
Trong khi đó, Quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương chiều 28/10 thông báo các ca mắc COVID-19 đầu tiên.
Thông báo từ Chính phủ đảo quốc Marshall nêu rõ 2 nhân viên làm việc cho một đơn vị đồn trú của binh lính Mỹ ở đảo san hô Kwajalein có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi đến quần đảo này trên một chuyến bay quân sự từ Hawaii. Cả hai đều được cách ly ngay khi đến quần đảo và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 trong thời gian cách ly.
Quần đảo Marshall gồm nhiều đảo và rạn san hô nằm giữa Australia và Hawaii. Quần đảo này đã đóng cửa biên giời từ hồi tháng 3 để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 và chỉ nới lỏng biện pháp này từ tháng 6, theo đó cho phép một số người nhập cảnh, phần lớn là các nhân viên căn cứ quân sự Mỹ.
Cũng như quần đảo Marshall, nhiều đảo quốc khác ở Thái Bình Dương cũng lựa chọn phong tỏa nghiêm ngặt bất chấp những thiệt hại về kinh tế để tránh đại dịch có thể khiến hệ thống y tế vốn không vững mạnh trở nên quá tải. Hiện một số đảo quốc và vùng lãnh thổ xa xôi ngoài khơi Thái Bình Dương như Kiribati, Micronesi, Nauru, Palau, Samoa, Tonga, Tuvalu và Vanuatu nằm trong nhóm rất ít những địa điểm còn lại trên thế giới chưa bị virus SAR-CoV-2 tấn công.