Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, dữ liệu của các cơ quan y tế Đức cho biết số ca mắc COVID-19 mới ở Đức trong ngày đã tăng thêm 23.069 trường hợp, mức cao nhất từ đầu dịch, trong khi số ca tử vong cũng tăng thêm 169 ca.
Theo số liệu của hệ thống giường chăm sóc tích cực ở Đức, số bệnh nhân nặng phải điều trị đặc biệt vì COVID-19 ở nước này tiếp tục tăng mạnh với tổng số ca hiện đang được điều trị ở mức trên 2.700 ca (tăng 100 ca), trong đó có gần 1.500 ca phải dùng máy trợ thở. Một tuần trước, số bệnh nhân phải điều trị tích cực chỉ ở mức trên 1.800 trường hợp (trên 900 ca dùng máy thở). Hiện các bệnh viện ở Đức còn khoảng 7.000 giường chăm sóc tích cực còn trống.
Trong khi đó, bắt đầu từ ngày 8/11, Đức đưa vào vận hành hệ thống khai báo trực tuyến cho các trường hợp nhập cảnh Đức từ các vùng có nguy cơ cao. Theo đó, các trường hợp từ các nước/khu vực có nguy cơ cao phải khai báo trực tuyến trước khi nhập cảnh Đức (www.einreiseanmeldung.de). Việc số hóa thủ tục khai báo giúp loại bỏ hình thức khai báo bằng giấy mà các hãng hàng không cho tới nay phải thực hiện cho người nhập cảnh. Các thông tin sẽ được chuyển thẳng tới các cơ quan y tế, nơi người nhập cảnh sẽ tới. Điều này sẽ giúp lực lượng y tế địa phương giám sát dễ dàng hơn đối với các trường hợp cần cách ly và 14 ngày sau khi nhập cảnh, dữ liệu đã được mã hóa này sẽ tự động được xóa khỏi hệ thống.
Chính phủ Đức ngày 6/11 cũng đã bổ sung nhiều nước và khu vực vào danh sách có nguy cơ cao đối với COVID-19, trong đó có toàn bộ Italy, vùng đất liền của Bồ Đào Nha, hầu hết lãnh thổ Thụy Điển và Đan Mạnh (trừ đảo Greenland và Faroe). Ngoài ra, toàn bộ miền Bắc Hy Lạp và các tỉnh xung quanh Athens cũng như một số vùng ở Estonia, Latvia, Litva và Na Uy cũng được đưa vào danh sách. Cho đến nay, không còn một quốc gia nào ở châu Âu không có khu vực rủi ro theo danh sách của Đức.
Cũng trong ngày 6/11, Bộ Tài chính và Bộ Kinh tế Đức thông báo sẽ gia hạn chương trính tín dụng đặc biệt của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) dành cho các doanh nghiệp cho tới cuối tháng 6/2021. Kế hoạch này sẽ giúp các doanh nghiệp (có thể đệ đơn xin trợ cấp tới 300.000 euro) thuận lợi trong quá trình thanh khoản, tuy nhiên Ủy ban châu Âu cần phải phê chuẩn việc này.