Quốc gia có nhiều nợ nhất
Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), nợ toàn cầu hiện ở mức 305 nghìn tỷ USD, cao hơn 45 nghìn tỷ USD so với trước đại dịch COVID-19.
Nợ toàn cầu là tổng số tiền nợ của các tập đoàn, chính phủ và cá nhân trên khắp thế giới. Trong số 305 nghìn tỷ USD nợ, các tập đoàn chiếm 161,7 nghìn tỷ USD (53%), chính phủ nợ 85,7 nghìn tỷ USD (28%) và các cá nhân chiếm 57,6 nghìn tỷ USD (19%).
IIF dự đoán rằng nợ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng do khoản vay của chính phủ vẫn ở mức cao, đồng thời chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như dân số già, căng thẳng địa chính trị, chi phí chăm sóc sức khỏe gia tăng và chênh lệch trong tài chính khí hậu.
Nợ chính phủ là các khoản nợ tài chính phải trả của một quốc gia, bao gồm các loại khác nhau như khoản vay và chứng khoán nợ. Giám sát nợ toàn cầu của IIF bao phủ 21 nền kinh tế thị trường trưởng thành trong đó có Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và 30 quốc gia thuộc thị trường mới nổi.
Mỹ có khoản nợ quốc gia cao nhất thế giới với 30,1 nghìn tỷ USD tính đến quý đầu tiên của năm 2023. Khoản nợ của Washington hiện ở mức 31,4 nghìn tỷ USD.
Bốn quốc gia có khoản nợ cao nhất tiếp theo bao gồm Trung Quốc (14 nghìn tỷ USD), Nhật Bản (10,2 nghìn tỷ USD), Pháp (3,1 nghìn tỷ USD) và Italy (2,9 nghìn tỷ USD).
Những quốc gia có đủ tiền để trả nợ
Các quốc gia sở hữu mức nợ cao có thể bù đắp khoản tiền trả của họ nếu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao hơn nợ quốc gia. GDP là thước đo tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ mà một quốc gia sản xuất.
Tỷ lệ nợ trên GDP của chính phủ, so sánh quy mô nợ với nền kinh tế của quốc gia đó, là một chỉ báo về tính bền vững tài chính của một chính phủ. Giá trị lớn hơn 100% cho thấy quốc gia đang chi tiêu nhiều hơn số tiền họ kiếm được.
Theo IIF, tỷ lệ nợ trên GDP chính phủ toàn cầu đang ở mức 95,5%.
Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, có tỷ lệ nợ trên GDP cao nhất ở mức 239%. Tỷ lệ nợ trên GDP cao của Nhật Bản một phần có thể là do dân số già và chi phí phúc lợi xã hội.
Hy Lạp có tỷ lệ nợ trên GDP cao thứ hai ở mức 197%, tiếp theo là Singapore (165%), Italy (135%) và Mỹ (116%).