Cụ thể, tính đến cuối ngày 4/10, có tổng cộng 594 ca mắc bệnh tả được ghi nhận tại 11 trong 14 tỉnh trên cả nước kể từ cuối tháng 9 vừa qua. Hầu hết các ca tử vong là tại tỉnh Aleppo, miền Bắc Syria.
Trước đó cùng ngày, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo tình hình dịch đáng báo động tại các địa phương đã xuất hiện ca bệnh và đang lây lan sang nhiều khu vực mới.
Đây là đợt bùng phát dịch tả lớn lần đầu tiên tại Syria kể từ năm 2009.
Bệnh tả do phẩy khuẩn tả Vibrio cholerae gây ra, lây truyền theo đường tiêu hóa qua thức ăn và nước uống bị nhiễm khuẩn tại những khu vực thiếu hệ thống thoát nước thải hoặc không có nguồn nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh. Theo Liên hợp quốc (LHQ), gần 2/3 số nhà máy xử lý nước, 50% các trạm bơm và 1/3 số tháp nước tại Syria đã bị phá hủy trong cuộc xung đột kéo dài dai dẳng hơn một thập kỷ qua.
Nguồn gốc của đợt bùng phát dịch mới nhất được cho là liên quan đến sông Euphrates đang bị ô nhiễm trong khi trữ lượng nước giảm do hạn hán, nhiệt độ gia tăng càng làm trầm trọng hơn tình trạng ô nhiễm. LHQ cho biết trên 5 triệu người trong tổng số 18 triệu dân tại Syria vẫn sử dụng nước uống và nước sinh hoạt lấy từ sông Euphrates.
Đợt bùng phát mới nhất này đặc biệt đáng báo động tại các khu lán trại quá tải, nơi lánh nạn của những người phải đi di tản do xung đột. Những người này ít có cơ hội tiếp cận với nguồn nước sạch và các sản phẩm vệ sinh.
Theo WHO, bệnh tả có thể điều trị bằng bổ sung nước, điện giải và sử dụng thuốc kháng sinh, tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong chỉ trong vài giờ. Trên toàn thế giới mỗi năm có khoảng 1,3 triệu đến 4 triệu người mắc bệnh tả, trong đó có khoảng 21.000 - 143.000 người tử vong.