Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hôm 3/4, Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi lệnh ngừng bắn đối với tất cả các cuộc xung đột lớn nhỏ đang nổ ra trên toàn cầu trước khi “điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra”.
Vậy đại dịch COVID-19 có ảnh hưởng như thế nào đến các cuộc xung đột đang diễn ra tại khu vực Trung Đông?
Tại Syria
Theo hãng thông tấn AFP, đại dịch COVID-19 bùng phát vào thời điểm lệnh ngừng bắn giữa hai thế lực có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở chiến trường Syria là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chính thức có hiệu lực.
Ba triệu người sống trong khu vực ngừng bắn thuộc vùng Tây Bắc Idlib của Syria không có nhiều hy vọng thoả thuận này sẽ được đảm bảo. Tuy nhiên, mối lo virus SARS-CoV-2 lây lan dường như đã khiến thoả thuận ngừng bắn có thể kéo dài thêm thời gian.
Theo Đài quan sát Nhân quyền Syria, chỉ còn 103 người thiệt mạng trong tháng 3, đây là con số thấp nhất kể từ khi cuộc xung đột diễn ra vào năm 2011.
Khả năng lớn chính quyền Damascus của Syria – chính quyền tự trị của người Kurd ở phía Đông Bắc và liên minh do các nhóm phiến quân lãnh đạo điều hành Idlib – sẽ nhận được sự tín nhiệm của người dân trong việc phòng chống dịch bệnh.
“Dịch bệnh này là một cách để chính quyền Damascus cho thấy nhà nước Syria hoạt động hiệu quả và tất cả các vùng lãnh thổ phải được trả lại dưới sự quản lý của họ”, nhà phân tích Fabice Balanche nói.
Tuy nhiên, đại dịch và sự huy động toàn cầu mà nó đòi hỏi có thể khiến liên quân do Mỹ lãnh đạo rời khỏi Syria và nước láng giềng Iraq. Điều này là khoảng trống tạo cơ hội cho các nhóm tàn dư của tổ chức Hồi giáo tự xưng IS có thêm cơ hội quay trở lại chiến trường Syria, đẩy mạnh các cuộc tấn công của họ.
Tại Yemen
Ban đầu, Chính phủ Yemen và phiến quân Huthi cũng như nước láng giềng Arab Saudi – quốc gia dẫn đầu liên minh quân sự tham chiến tại Yemen – đã có những phản ứng tích cực trước lời kêu gọi lệnh ngừng bắn của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, tia hy vọng hiếm hoi này chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn khi vào tuần trước, lực lượng phòng không của Saudi Arabia đã bắn rơi các tên lửa đạn đạo trên bầu trời thủ đô Riyadh và một thành phố biên giới do phiến quân Iran hậu thuẫn.
Liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu đã trả đũa bằng cách tấn công các mục tiêu của người Hồi giáo tại thủ đô Sanaa do phe nổi dậy cầm đầu hôm 30/3.
Các cuộc thảo luận đã nhiều lần thất bại, tuy nhiên đặc phái viên của Liên Hợp quốc Martin Griffiths vẫn đang tổ chức các cuộc tham vấn hàng ngày trong nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn trên toàn quốc.
Xung đột tại Yemen kết hợp với một cuộc khủng hoảng nhân đạo được mô tả là tồi tệ nhất trên thế giới là cơ hội lý tưởng để virus SARS-CoV-2 bùng phát và tước đi sinh mạng của hàng nghìn người.
Ở một quốc gia nơi cơ sở hạ tầng y tế đã sụp đổ, nước trở thành món hàng quý hiếm và 24 triệu người đang cần hỗ trợ nhân đạo, người dân Yemen lo ngại sẽ bị “xóa sổ” nếu lệnh ngừng bắn không đi kèm với các viện trợ đầy đủ.
“Mọi người sẽ chết trên đường phố. Các thi thể sẽ thối rữa khắp nơi”, Mohammed Omar, một tài xế taxi ở thành phố cảng Hodeida bày tỏ sự lo ngại.
Tại Libya
Giống như Yemen, các nhân tố chính trong cuộc xung đột ở Libya ban đầu cũng đã hoan nghênh lệnh ngừng bắn của Liên Hợp quốc, nhưng sau đó lại nhanh chóng quay lại tình trạng thù địch.
Các cuộc giao tranh ác liệt đã làm rung chuyển phía Nam thủ đô Tripoli trong những ngày gần đây. Điều này cho thấy sự bùng phát virus SARS-CoV-2 cũng không đủ để khiến chiến trường im lặng.
Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đóng một vai trò quan trọng trong cuộc xung đột, là quốc gia đứng sau hậu thuẫn Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA), vốn đã được Liên hợp quốc công nhận.
Nhà phân tích Fabrice Balanche dự đoán rằng việc các quốc gia phương Tây rút khỏi các cuộc xung đột ở Trung Đông có thể hạn chế sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với GNA.
Các quốc gia phương Tây đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch gây ra, điều này có thể khiến họ chuyển hướng cả tài nguyên quân sự và năng lực môi giới hòa bình khỏi các cuộc xung đột nước ngoài.
Báo cáo của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho biết các quan chức châu Âu đã báo cáo rằng những nỗ lực bảo đảm lệnh ngừng bắn ở Libya không còn là sự quan tâm đứng đầu do đại dịch bùng phát.
Tại Iraq
Iraq không còn bị kìm kẹp bởi cuộc xung đột nhưng vẫn lo ngại về “sự hồi sinh” của IS ở một số khu vực.
Hai quốc gia đồng minh Iran và Mỹ là một trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi virus SARS-CoV-2 nhưng không có bất kỳ dấu hiệu cho thấy sự buông bỏ nào trong cuộc chiến vì ảnh hưởng của họ chủ yếu diễn ra trên lãnh thổ Iraq.
Hầu hết các binh sĩ không phải là người Mỹ trong liên minh đã được rút về nước và một số căn cứ đã được sơ tán, quân đội Mỹ hiện đang tập hợp lại ở một số địa điểm ở Iraq.
Washington đã triển khai các tên lửa phòng không Patriot, khiến nhiều người lo ngại về sự leo thang mới với Tehran, nơi đã diễn ra một loạt các cuộc tấn công bằng tên lửa vào căn cứ của quân đội Mỹ trước đó.