Theo các nhà lập pháp Iran, các phương pháp phẫu thuật làm ra “tai cáo”, “mắt mèo”, “mũi lợn” và “môi lạc đà” cần phải được liệt kê trong danh sách “phẫu thuật tiêu cực” vì bản chất “không Hồi giáo” và “vi phạm tiêu chuẩn đạo đức” của các phương thức làm đẹp đó.
Trong cuộc phỏng vấn với Đài Sputnik, ông Hassan Noroozi – người phát ngôn của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Cố vấn Hồi giáo (Quốc hội Cộng hòa Hồi giáo) – giải thích việc “thay đổi hình thức cơ thể của một người mà Chúa đã tạo ra là đi ngược lại tín ngưỡng và có thể bị xem là điều cấm kỵ".
Chính vì vậy, Iran có thể trừng phạt những kẻ yêu cái đẹp “không Hồi giáo” với những hình thức phạt sau: 74 roi phạt hoặc 10 đến 60 ngày giam trong tù. Bác sĩ tiến hành phẫu thuật sẽ bị xét xử và tước giấy phép hành nghề.
Iran đang là một trong những nước dẫn đầu ở Trung Đông về phẫu thuật thẩm mỹ chất lượng. Để hiểu rõ “Luật Làm đẹp” được Quốc hội Iran đề xuất có thể ngăn chặn được xu hướng làm đẹp đến mức độ nào cũng như bản thân các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Iran nhận định sao về vấn đề này, đài Sputnik đã có cuộc phỏng vấn bác sĩ Mohammad Shahin Sadeghi – một thành viên trong Hội đồng Học thuật trường Đại học Y Shahid Beheshti.
Theo bác sĩ Mohammad Sadeghi, hiện dự thảo vẫn chưa thấy xuất bản trên Thông cáo của Ủy ban Y học Quốc hội. Trước khi có hiệu lực, đạo luật này phải nhận được sự đồng thuận từ các ủy ban khác trong quốc hội để có mẫu chuẩn cuối cùng.
Cũng theo vị chuyên gia trên, Iran có nhiều bác sĩ tay nghề cao chuyên cấy ghép nội tạng, y học cổ truyền và phẫu thuật thẩm mỹ. Nhiều người châu Âu đã tới Iran để thực hiện các dịch vụ y tế vì hai lý do quan trọng. Trước hết là trình độ cao, mức độ uy tín và độ dày dạn kinh nghiệm của các bác sĩ Iran. Thứ hai là giá cả phải chăng so với các nước khác.
Bác sĩ Mohammad Sadeghi giải thích: “Đó là lý do tại sao để bảo tồn 'thương hiệu' chất lượng và sự tin tưởng của bệnh nhân, các nguyên tắc cơ bản của y tế phải được tôn trọng. Phải có một cách tiếp cận khoa học cho mọi thứ. Phẫu thuật thẩm mỹ 'tiêu cực' hoặc phi truyền thống không phù hợp với khuôn khổ khoa học hoặc tiêu chuẩn đạo đức. Hơn nữa, việc thực hiện các hoạt động này cũng phá hỏng danh tiếng và hình ảnh y học Iran. Vì lý do này, chúng tôi mong là không có ngoại lệ nếu đạo luật được thông qua. Người nước ngoài đến Iran phẫu thuật vẫn phải nhận hình phạt như người bản xứ”.
Khi được hỏi về tỷ lệ phẫu thuật thẩm mỹ phi truyền thống tại Iran, bác sĩ Sadeghi cho biết con số không lớn lắm: xấp xỉ 1 ca trong tổng số 1.000 trường hợp. Tuy nhiên, với mức độ như thế, đó cũng là một con số đáng chú ý tại đất nước Iran.