Ông Babar Baloch, người phát ngôn Cao uỷ LHQ về người tị nạn (UNHCR), cho biết Mozambique là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Chính phủ nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Theo các số liệu cập nhật mới nhất của Cơ quan Di trú LHQ (IOM) số nạn nhân thiệt mạng do bão Idai ở Mozambique là 293 người, ở Zimbabwe là 259 người. Khoảng 1,7 triệu người chịu ảnh hưởng của cơn bão, trong khi hàng nghìn người vẫn mất tích.
Nhiều khu vực thuộc tỉnh Beira vẫn bị cô lập trong biển nước, hàng nghìn người vẫn "bị giam" trên mái nhà hoặc trên cây. Thị trấn Buzi gần như biến mất khi nước lũ cao ngang ngọn cây cọ đã nhấn chìm tất cả. Phát biểu trong chuyến thị sát tới Beira, Thủ tướng Mozambique Carlos Antonio do Rosario gọi đây là một thảm họa, cho biết vẫn còn khoảng 15.000
cần được cứu.
Trong khi đó, theo Chương trình Lương thực thế giới (WEF), những trận mưa lớn tại các tỉnh Manicaland và Masvingo của Zimbabwe đang tiếp tục gây ra những thiệt hại lớn. Tại Chimanimani, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Zimbabwe, tình hình đang trở nên rất tồi tệ. Khoảng 90% diện tích khu vực đã bị thiệt hại đáng kể. WEF ước tính khoảng 200.000 người cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp trong 3 tháng tới tại quốc gia này.
Trong một tuyên bố, ICRC cho biết cơ quan này đang triển khai thêm nhân viên đến 3 quốc gia trên để phối hợp với Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) và các hội chữ thập đỏ quốc gia. Theo ông Hicham Mandoudi, trưởng phái đoàn ICRC tại Mozambique, hậu quả của cơn bão Idai vượt sức tưởng tượng. ICRC rất quan tâm đến các cộng đồng ở các khu vực bị cô lập do lũ lụt và lở đất.
Còn theo ông Jens Laerke, người phát ngôn của Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của LHQ, chính phủ Mozambique đã thành lập một trung tâm y tế tạm thời tại thành phố Beira với sự hỗ trợ của các đội y tế, trong đó có các bác sĩ của Nam Phi.