Trong tuyên bố đưa ra ngày 11/5, tức 3 ngày sau khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân nói trên, Bộ trưởng Zangeneh nhận định Washington sẽ áp đặt một số biện pháp hạn chế Iran như cấm xuất khẩu dầu mỏ, ngăn chặn các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực năng lượng - ngành công nghiệp mũi nhọn của Iran. Tuy nhiên, ông bày tỏ tin tưởng việc Mỹ rút khỏi JCPOA sẽ không gây ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán dầu của nước này. Ông Zangeneh nhấn mạnh các nguồn thu ngân sách từ dầu mỏ và khí đốt sẽ được duy trì.
Trước đó, rạng sáng 9/5 (giờ Việt Nam), Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân nước này ký kết với Iran, đồng thời khẳng định sẽ bắt đầu khôi phục các biện pháp trừng phạt chính quyền Tehran. Hiện sản lượng khai thác dầu của Iran ở mức khoảng 3,8 triệu thùng/ngày, chiếm 4% tổng nguồn cung của thế giới. Trong đó, Iran xuất khẩu khoảng 2,5 triệu thùng dầu/ngày. Giới phân tích cho rằng động thái của Mỹ có thể khiến sản lượng dầu thô của Tehran giảm tối đa 800.000 thùng dầu/ngày và khiến giá dầu thế giới leo thang.
Trong phản ứng mới nhất liên quan đến quyết định của Mỹ rút khỏi JCPOA, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 11/5 đã chỉ trích quyết định đơn phương của Washington, cho rằng việc làm này gây ra mối nghi ngại và hối tiếc lớn. Trước khi Tổng thống Trump công bố quyết định rời khỏi JCPOA, Đức cùng với Anh và Pháp đã tìm cách thuyết phục Mỹ duy trì thỏa thuận hạt nhân này với lý do văn kiện này tuy có những nhược điểm nhưng có ít bất lợi nhất trong tất cả những cơ chế khả thi nhằm ngăn chặn Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Theo kế hoạch, ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu sẽ nhóm họp với đại diện Iran tại thủ đô London (Anh) vào ngày 14/5 nhằm nỗ lực "cứu vớt" thỏa thuận này.