Thách thức mới với ngành vũ khí của Nga và phương Tây do xung đột ở Ukraine

Cuộc xung đột Nga - Ukraine không hoàn toàn tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp vũ khí của cả Moskva và phương Tây.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Reuters

Cuộc xung đột ở Ukraine đã làm tăng nhu cầu về vũ khí, trong khi các quốc gia phương Tây tìm cách thay thế phần vũ khí viện trợ cho Kiev. Tuy nhiên, một báo cáo cho biết xung đột cũng có thể cản trở sản xuất.

Theo báo cáo mới từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới tiếp tục tăng doanh số bán hàng trong năm 2021, nhưng các vấn đề về chuỗi cung ứng đã khiến tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này đang chậm lại.

Báo cáo được công bố hôm 5/12 lưu ý rằng tình trạng thiếu hụt do đại dịch COVID-19 gây ra đã góp phần kìm hãm tốc độ tăng trưởng chỉ còn 1,9% vào năm 2021 so với năm 2020. SIPRI dự báo rằng cuộc xung đột ở Ukraine có thể gây ra những vấn đề tương tự cho ngành công nghiệp này trong giai đoạn trước mắt và trung hạn.

Trong khi cuộc xung đột Nga - Ukraine và phản ứng của phương Tây đã thúc đẩy nhu cầu về vũ khí, chúng cũng khiến các nhà sản xuất phải đối mặt với những thách thức trong việc tìm nguồn nguyên liệu thô và linh kiện. 

SIPRI, viện quốc tế tập trung vào nghiên cứu xung đột, vũ khí, kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị, lưu ý rằng Nga là nhà cung cấp chính nguyên liệu thô được sử dụng trong sản xuất vũ khí.

"Điều này có thể cản trở những nỗ lực đang diễn ra ở Mỹ và châu Âu nhằm củng cố lực lượng vũ trang của họ và bổ sung kho dự trữ sau khi gửi đạn dược và các thiết bị khác trị giá hàng tỷ USD tới Ukraine", báo cáo của SIPRI cho biết.

Mặc dù các công ty Nga đang tăng cường sản xuất vũ khí vì xung đột, báo cáo của SIPRI lưu ý rằng họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận chất bán dẫn. Các công ty trên cũng đang bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt liên quan đến xung đột, chẳng hạn như khi nhận các khoản thanh toán.

Diego Lopes da Silva, nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI nói: “Việc tăng sản lượng cần có thời gian. Nếu sự gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp tục, có thể mất vài năm để một số nhà sản xuất vũ khí chính đáp ứng nhu cầu mới do cuộc xung đột Ukraine tạo ra".

Về phần mình, Lucie Beraud-Sudreau, Giám đốc chương trình chi tiêu quân sự và sản xuất vũ khí của SIPRI, cho biết: “Chúng tôi dự báo doanh số bán vũ khí sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa nếu không có các vấn đề dai dẳng về chuỗi cung ứng. Cả công ty vũ khí lớn và nhỏ đều nói rằng doanh số bán hàng của họ đã bị ảnh hưởng. Một số công ty, chẳng hạn như Airbus và General Dynamics, cũng báo cáo tình trạng thiếu lao động".

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo DW.com)
Hàng nghìn người Italy xuống đường phản đối cung cấp vũ khí cho Ukraine
Hàng nghìn người Italy xuống đường phản đối cung cấp vũ khí cho Ukraine

Hàng nghìn thành viên công đoàn và người theo cánh tả tại Rome ngày 3/12 đã xuống đường tuần hành sau khi chính phủ Italy mới hứa hẹn cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine vào năm tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN