Theo Trung tâm Xử lý Tình hình dịch COVID-19 của Thái Lan (CCSA), việc nới lỏng này sẽ bao gồm lao động di cư trong ngành kinh doanh xây dựng và xuất khẩu thực phẩm, khách nước ngoài đồng tổ chức các hội chợ thương mại, khách nước ngoài trong các đoàn làm phim và khách du lịch nước ngoài là thành viên của chương trình Thẻ Đặc quyền Thái Lan (Thailand Elite Card).
Một ủy ban được giao nhiệm vụ cân nhắc nới lỏng các biện pháp trên đã thảo luận về giai đoạn 6 nới lỏng và vấn đề này sẽ được trình lên cuộc họp toàn thể của CCSA trong tuần này.
Tính đến ngày 20/7, Thái Lan đã trải qua 56 ngày liên tiếp không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới nào lây lan trong cộng đồng và những ca mắc mới được xác nhận trong thời gian qua đều là các ca “nhập khẩu” từ nước ngoài. Ca mắc COVID-19 mới được ghi nhận trong ngày 20/7 là một công dân trở về từ Singapore có kết quả dương tính vào ngày cách ly thứ 11 hôm 17/7. Như vậy, kể từ đầu tháng 1/2020 đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 3.250 ca mắc COVID-19, trong đó có 58 ca tử vong.
* Trong khi đó, tại Hàn Quốc, phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn thông báo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của nước này (KCDC) ngày 20/7 cho biết để tăng cường biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng, khoảng 133.000 địa điểm trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc, bao gồm cả các cơ sở vui chơi giải trí và cơ sở sinh hoạt tôn giáo, đã được triển khai áp dụng hệ thống điện tử quét mã QR trên điện thoại thông minh để giúp các cơ quan y tế theo dõi các ca mắc COVID-19 mà không có dấu hiệu rõ ràng. Máy quét mã QR, được lắp đặt tại cửa ra vào của các quán rượu tư nhân, trung tâm thể thao, bệnh viện... cũng như thư viện và phòng trưng bày công cộng, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc truy dấu 1.784 người đã "vô tình" tiếp xúc với người mắc COVID-19.
Theo KCDC, hệ thống điện tử quét mã QR trên điện thoại thông minh (Smartphone) được cơ quan chức năng Hàn Quốc thực hiện thí điểm lần đầu tiên vào tháng 5 vừa qua để ghi lại danh sách người ra vào các cơ sở tập trung đông người. Đối tượng bắt buộc sử dụng hệ thống này là 8 loại cơ sở tụ điểm nhiều người qua lại, tiềm ẩn nguy cơ cao trở thành ổ dịch COVID-19 gồm quán rượu, câu lạc bộ, vũ trường, tụ điểm karaoke đèn mờ, phòng hát karaoke, các cơ sở hoạt động thể thao trong nhà, hội trường biểu diễn không ghế ngồi. Khách ra vào các cơ sở này sẽ nhận mã QR dùng một lần qua điện thoại dựa theo thông tin cá nhân và có nhiệm vụ xuất trình mã này để quản lý cơ sở quét và ghi lại vào hồ sơ khách hàng. Thông tin thu thập sẽ được lưu trữ và tự động hủy sau 4 tuần.
Cũng theo KCDC, trước khi hệ thống trên được đưa vào sử dụng rộng rãi, các cơ quan y tế của Hàn Quốc phải phụ thuộc phần lớn vào trí nhớ của người bệnh COVID-19 cũng như hệ thống lưu trữ của các nhà mạng điện thoại để tìm ra vị trí điện thoại di động của người bệnh nhằm xác định nơi họ đã ghé thăm và mọi thông tin từ biện pháp này đa phần là không chính xác. Ngoài ra, biện pháp thủ công trên cũng khiến các cơ quan chức năng mất nhiều thời gian và công sức. Với việc đưa vào sử dụng hệ thống điện tử quét mã QR trên điện thoại thông minh, cho đến nay, các cơ quan y tế Hàn Quốc đã thu thập và xử lý khoảng 24,66 triệu hồ sơ trên toàn quốc. Trung bình mỗi ngày, cơ quan chức năng thu thập và lưu giữ khoảng 1 triệu bản ghi.
Cùng ngày, một quan chức của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết chính phủ nước này đang lên kế hoạch thực hiện ít nhất một chuyến bay vào cuối tuần để đưa khoảng 300 công dân đang bị mắc kẹt ở Iraq về nước.
Theo quan chức trên, các cơ quan chức năng của hai nước đã tiến hành thảo luận kế hoạch cụ thể, trong đó bao gồm số lượng các chuyến bay, cũng như thủ tục kiểm dịch. Theo kế hoạch, chuyến bay gần nhất sẽ được thực hiện vào ngày 17/7 tới. Hiện số lượng công dân Hàn Quốc ở Iraq đăng ký về nước trên chuyến bay giải cứu đã tăng từ 200 người (cuối tuần trước) lên thành 300 người. Những người này chủ yếu là nhân viên của các nhà thầu xây dựng lớn và các nhà thầu phụ Hàn Quốc tham gia các dự án xây dựng nhà máy lọc dầu ở thành phố Karbala, phía Tây Nam thủ đô Baghdad của Iraq.