Chuyến công du Đông Bắc Á của Tổng thống Mỹ đạt kết quả tích cực
Chuyến công du Đông Bắc Á kéo dài 5 ngày Tổng thống Mỹ Joe Biden đến 2 quốc gia đồng minh chủ chốt của Washington trong khu vực là Hàn Quốc và Nhật Bản đã kết thúc tốt đẹp. Đây là chuyến thăm châu Á đầu tiên của người đứng đầu Nhà Trắng kể từ khi nhậm chức trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng trong khu vực và phần lớn sự chú ý của thế giới vẫn đổ dồn vào xung đột Nga-Ukraine.
Chuyến thăm lần này được coi là cơ hội để chính quyền của Tổng thống Biden tăng cường quan hệ với hai quốc gia đồng minh, củng cố liên minh Mỹ - Nhật - Hàn, đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ nhóm Bộ Tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ). Quan trọng hơn, chuyến thăm cũng được coi là cơ hội để Mỹ thúc đẩy vai trò và tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Đúng như kỳ vọng, tại Seoul, ông Biden đã tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ Hàn Quốc theo Hiệp ước Phòng thủ chung giữa hai nước. Đồng thời, các nhà lãnh đạo cũng nhất trí đưa ra các biện pháp bổ sung mới để tăng cường khả năng răn đe khu vực bằng cách sử dụng các khả năng phòng thủ hiện có, bao gồm năng lực phòng thủ hạt nhân, vũ khí thông thường và tên lửa.
Tại Tokyo, người đứng đầu Nhà Trắng cũng cam kết bảo vệ Nhật Bản, đồng thời tuyên bố liên minh Mỹ-Nhật là “nền tảng” của hòa bình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hai bên cũng đồng ý cần nhanh chóng tăng cường sự ứng phó của liên minh trước những thách thức nổi cộm ở khu vực.
Điểm nổi bật nhất trong chuyến công du lần này là sự ra đời của “Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” (IPEF) - một thỏa thuận đa phương do Washington thiết lập nhằm tăng cường quan hệ thương mại với các nền kinh tế ở châu Á. Với thoả thuận này, Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ đã vẽ ra một bức tranh hợp tác tươi sáng giữa Washington với các đối tác khu vực trên nhiều lĩnh vực, từ tăng cường chuỗi cung ứng, thương mại điện tử, năng lượng sạch và cuộc chiến chống tham nhũng.
Sau khi rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017, Mỹ đã để lại khoảng trống về chiến lược hợp tác kinh tế với châu Á. Do đó, chính quyền của ông Biden hy vọng việc khởi động khuôn khổ kinh tế mới, như IPEF, sẽ bù đắp lại những cơ hội bị mất, đồng thời tạo ra bước ngoặt mới trong nỗ lực khôi phục vai trò lãnh đạo kinh tế của Mỹ ở khu vực.
Ông Jaechun Kim, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Sogang, Hàn Quốc nhận định: “Mục tiêu chính trong chuyến thăm châu Á của ông Biden là tăng cường sự ủng hộ của các đồng minh quan trọng trong khu vực đối với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ”.
Tờ Al Jazeera nhận định chuyến công du lần này của Tổng thống Biden còn nhằm mục đích gắn kết quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản. Theo các nhà phân tích, đây là “chìa khóa” không chỉ để đối phó với chương trình hạt nhân của Triều Tiên, mà còn nhằm đạt tầm nhìn của Mỹ về một “Ấn Độ Dương Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Ông Youngshik Bong, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Triều Tiên của Đại học Yonsei cho rằng đây là điều “rất có lợi” cho Mỹ, vốn từ lâu đã tìm cách gắn kết hai quốc gia lại với nhau.
“Lần đầu tiên sau một thời gian dài, các nhà lãnh đạo của cả 3 quốc gia - Hàn, Nhật, Mỹ - đều có cùng quan điểm về việc tăng cường thúc đẩy hợp tác an ninh ba bên. Nếu nhìn vào lịch sử, những người tiền nhiệm đã khá thận trọng hoặc thụ động trong việc ủng hộ hết mình cho mối quan hệ hợp tác an ninh ba bên này”, ông nhận định.
Bệnh đậu mùa khỉ bùng phát, lây lan tại nhiều quốc gia
Trong tuần qua, số ca mắc đậu mùa khỉ đã tăng nhanh ở châu Âu và Bắc Mỹ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết virus đậu mùa khỉ đã lây lan sang hơn 20 quốc gia và kêu gọi các nước tăng cường giám sát dịch bệnh.
Tổng số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới ghi nhận đến ngày 25/5 đã cao gấp 5 lần so với con số ca công bố ngày 20/5, thời điểm bắt đầu thống kê số người mắc bệnh này. Tính đến ngày 27/5, thế giới đã ghi nhận 219 ca mắc bệnh. Tại Anh, nước phát hiện ca bệnh đầu tiên vào đầu tháng 5, hiện ghi nhận số người mắc bệnh nhân cao nhất (trên 70 ca), tiếp đến là Tây Ban Nha (trên 50 người) và Bồ Đào Nha (trên 30 người). Ngoài châu Âu, Canada ghi nhận 15 ca bệnh và Mỹ ghi nhận 9 ca.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC), đã có hơn 10 nước, hầu hết ở châu Âu, báo cáo có ít nhất 1 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Đây là lần đầu tiên chuỗi lây nhiễm này được ghi nhận tại lục địa này, vốn không có nhiều mối liên quan dịch tễ đến khu vực Tây hoặc Trung Phi. Hầu hết các ca mắc là nam giới trẻ, có quan hệ tình dục đồng giới.
Trước những ca bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện thời gian gần đây, WHO dự báo sẽ có thêm nhiều ca mắc xuất hiện. Giới chuyên gia đang giải trình tự gien của các ca nhiễm để tìm hiểu nguồn gốc của virus, từ đó tìm ra nguyên nhân bùng phát các ca bệnh này.
Các chuyên gia WHO cho biết đậu mùa khỉ là căn bệnh tương tự bệnh đậu mùa ở người. Bệnh xuất hiện khi con người tiếp xúc với loài khỉ. Các triệu chứng ban đầu bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, nổi mụn phồng, ớn lạnh và kiệt sức. Mụn thường nổi trên mặt trước khi lan sang những nơi khác của cơ thể. Hầu hết bệnh nhân đều trải qua các triệu chứng nhẹ và thường khỏe lại sau 2-4 tuần.
Tỷ lệ tử vong của đậu mùa khỉ ở khoảng 10%. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ nhưng các dữ liệu y tế cho thấy vaccine phòng bệnh đậu mùa thông thường cũng có hiệu quả phòng bệnh đậu mùa khỉ. Hiện nay, Mỹ và một số quốc gia châu Âu đã bắt đầu tiêm chủng cho những người tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ.
Giới chức y tế khuyến cáo nếu mọi người phát hiện những tổn thương nhỏ, màu đỏ xuất hiện trên da, nên liên hệ với bác sĩ hoặc cơ quan y tế địa phương, để kịp thời thực hiện các xét nghiệm và truy vết nguồn tiếp xúc. Ông Richard Pebody, chuyên gia của WHO tại châu Âu, nhấn mạnh rửa tay thường xuyên, giữ vệ sinh sạch sẽ và quan hệ tình dục an toàn là những biện pháp tốt nhất để ngăn chặn nguy cơ bệnh lây lan.
Các nhà khoa học cũng cho rằng nếu áp dụng các biện pháp phù hợp tại thời điểm hiện tại, thế giới có thể dễ dàng kiểm soát được bệnh đậu mùa khỉ. Đồng thời, họ cho rằng người dân không nên lo lắng bởi tốc độ lây lan hiện nay chậm hơn nhiều so với các virus khác, chẳng hạn như virus SARS-CoV-2.