Tái khẳng định cam kết hiện diện.
Không nằm ngoài dự đoán, Bộ trưởng Lloyd Austin đã tận dụng cơ hội này để tái khẳng định cam kết lâu dài của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN, tính cấp thiết của việc cùng nhau hợp tác đối phó với các thách thức chung.
“Không ai có thể đi một mình”, đó là bài học được ông Lloyd Austin chia sẻ qua kinh nghiệm 40 năm quân ngũ. Mỹ và các nước trong khu vực cũng vậy. Ông Austin cũng nhấn mạnh rằng nước Mỹ và khu vực sẽ an toàn hơn và thịnh vượng hơn khi hợp tác cùng nhau, và mạng lưới liên minh, đối tác là tài sản chiến lược vô song của Mỹ.
Chuyên gia Lê Hồng Hiệp từ Viện nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á (ISEAS) tại Singapore nhận định, bài phát biểu của Bộ trưởng Lloyd Austin góp phần nhấn mạnh hơn Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở (FOIP) mà Chính quyền Biden kế thừa từ Chính quyền Trump, đồng thời có những điều chỉnh nhất định để phù hợp với bối cảnh tình hình mới.
“Cụ thể, Bộ trưởng Lloyd Austin đề cập ba khía cạnh chính trong chính sách của Mỹ, đó là giúp khu vực phục hồi khỏi đại dịch Covid-19, đầu tư vào hợp tác và năng lực cũng như tầm nhìn răn đe để giải quyết các thách thức an ninh ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, xây dựng một khu vực mở và tự do hướng tới đối tác, thịnh vượng và tiến bộ”, ông Lê Hồng Hiệp nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng phát biểu của Bộ trưởng Lloyd Austin nhìn chung nhất quán với quan điểm của Mỹ bấy lâu, đồng thời gợi ý rằng Mỹ sẽ quan tâm nhiều hơn tới các nhu cầu của khu vực và có các hành động thực chất, cụ thể hơn. Tuy nhiên, do Mỹ có nhiều mối quan tâm và ưu tiên, cũng như vẫn còn nhiều hạn chế về nguồn lực, nên liệu Mỹ có thể duy trì đà thực hiện các cam kết này hay không vẫn cần thời gian để trả lời.
Lo ngại đó không phải không có cơ sở khi chuyến công du của Bộ trưởng Austin là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức trong nội các Chính quyền Biden sau 7 tháng qua tới khu vực Đông Nam Á. Việc Ngoại trưởng Antony Blinken từng tới Hàn Quốc, Nhật Bản và gần đây là Ấn Độ mà chưa một lần ghé qua khu vực được nhiều nhà bình luận đặt dấu hỏi.
Xoa dịu nỗi lo về sức ép phải chọn bên
Vẫn nhất quán chỉ trích Trung Quốc, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông, nhưng thông điệp giúp các nhà lãnh đạo khu vực có thể “thở phào” là việc khẳng định của ông Lloyd Austin rằng Mỹ cam kết theo đuổi mối quan hệ mang tính xây dựng, ổn định với Trung Quốc, không tìm kiếm sự đối đầu, nhưng cũng sẽ không chùn bước khi lợi ích bị thách thức.
Đồng thời, cũng để xoa dịu những lo ngại bị lãng quên khi Chính quyền Tổng thống Biden có vẻ ưu tiên hơn tới “Bộ Tứ” trong triển khai Chiến lược FOIP, ông Lloyd Austin tiếp tục nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN, đánh giá cao việc ASEAN tiếp tục đi đầu trong các vấn đề khu vực, trong đó có vấn đề Myanmar, khẳng định Bộ Tứ sẽ là một trong những cơ chế bổ sung nhằm giúp “cấu trúc an ninh khu vực” bền vững hơn.
“Với tư cách là Bộ trưởng, tôi cam kết theo đuổi mối quan hệ mang tính xây dựng, ổn định với Trung Quốc, bao gồm cả các kênh liên lạc khủng hoảng mạnh mẽ hơn với Quân Giải phóng Nhân dân... Chúng tôi không yêu cầu các nước trong khu vực lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc”, Bộ trưởng Lloyd Austin khẳng định.
Chuyên gia Wu Shang-Su thuộc Chương trình nghiên cứu an ninh khu vực tại Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam cho rằng bài phát biểu của Bộ trưởng Lloyd không “cứng rắn” với Trung Quốc như kỳ vọng và có cả các thành tố “cứng và mềm” để thuyết phục Trung Quốc “chấp nhận thay vì thách thức thực trạng hiện nay”.
“Tôi cho rằng cách tiếp cận này của Mỹ sẽ không hiệu quả bởi các thành tố cứng là không đáng tin đối với Trung Quốc. Ngôn từ trong bài phát biểu cho thấy ông Austin nỗ lực cho khu vực thấy sự khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, bằng cách đưa Mỹ trở thành một đối tác dễ thích nghi hơn, văn minh hơn và được tôn trong hơn tại khu vực”, Tiến sỹ Wu Shang-Su nhấn mạnh.