Thủ đô Mỹ khác lạ giữa rào chắn và nỗi vắng lặng

Đi bộ giữa trung Washington D.C, người ta thật khó để phân biệt giữa tòa nhà nào bị che chắn cửa vì ngừng hoạt động do đại dịch COVID-19 và tòa nhà phải che chắn để tránh bạo loạn. 

Chú thích ảnh
Một thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia tuần tra trên đường phố ở thủ đô Washington. Ảnh: AFP

Thủ đô của nước Mỹ được biết đến với khung cảnh hùng vĩ, nhiều di tích lịch sử và lượng khách du lịch đông đúc. Tuy nhiên, thành phố này đã thay đổi hoàn toàn trong năm qua.

“Đây là lần đầu tiên tôi đến khu thương mại của Washington trong một năm qua. Nơi bộ thường chật kín người đi lại. Lần này lại rất im ắng. Tôi nghĩ Washington đã trở thành bóng ma của chính nó”, bà Jaime sống ở Maryland chia sẻ cùng phóng viên hãng thông tấn AFP. 

Các em học sinh thường đi từ mọi miền nước Mỹ đến Washington để tham quan các viện bảo tàng và Nhà Trắng giờ phải ở nhà vì lệnh phong tỏa. Đa số du khách ngoại quốc cũng vậy. Sự huyên náo giữa các chính trị gia, nhà vận động hành lang và luật sư trên đường phố nay trở nên im ắng, trong khi các ga tàu điện ngầm lớn chuyên chở người lao động các vùng ngoại ô cũng tĩnh lặng và ít được sử dụng.
Thành phố có trên 700.000 cư dân này đang bị “kìm nén”, một tuần trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden trên bậc thềm Điện Capitol.

Bà Nadine Seiler, 55 tuổi, nhận xét: “Thành phố cơ bản là hoang vắng. Nó thường xuyên ồn ào nhưng giờ đây giống như mọi người đều đang đi nghỉ”. Kể từ tháng 10/2020, bà Seiler ngày nào cũng tuần hành gần Nhà Trắng để chống lại nạn phân biệt chủng tộc. 

Giống ở nhiều thành phố phương Tây khác, người lao động làm việc tại nhà, đặc biệt là nhân viên tại các cơ quan lớn đóng trụ sở tại Washington như Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tiền tệ Thế giới (IMF), cũng như vô số cơ quan chính phủ khác. 

Chú thích ảnh
Hàng rào kim loại dựng bên ngoài trụ sở Tòa án Tối cao Mỹ. Ảnh: AFP

Các bảo tàng nổi tiếng ở thành phố Washington, đa số là miễn phí vé vào, đã đóng cửa từ hồi tháng 3 năm ngoái. Thị trưởng Muriel Bowser cũng siết chặt các biện pháp giới hạn nên các nhà hàng không thể phục vụ thực khách dùng bữa trong nhà. Thay vào đó, các hàng ăn phải cố gắng tồn tại bằng cách dựng lều bạt dọc vỉa hè, mời mọc khách hàng ngồi bên cạnh những chiếc máy sưởi để chống chọi với cái lạnh mùa đông.

Theo chuyên trang Eater, gần 70 nhà hàng đã đóng cửa vĩnh viễn ở Washington kể từ khi đại dịch bắt đầu, và nhiều nhà hàng khác đóng cửa mà không chắc chắn sẽ mở cửa trở lại. Suy thoái kinh tế còn hiển hiện rõ ràng hơn thông qua hàng người kéo dài tại các bếp súp từ thiện cũng như sự xuất hiện ngày càng nhiều các lều tạm trú cho những người vô gia cư dưới gầm cầu và dọc theo đường chính.

Chú thích ảnh
Lực lượng an ninh làm nhiệm vụ bảo vệ Đồi Capitol ngày 12/1. Ảnh: AP

Các cuộc biểu tình bạo lực và bất ổn cũng liên tục làm rung chuyển Washington trong năm ngoái. Sau khi một viên cảnh sát ở Minneapolis bắn chết công dân da màu George Floyd tháng 5/2020, Washington trở thành một trong những điểm nóng của các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc trên toàn quốc.

Chính quyền thành phố đã sơn những dòng chữ màu vàng rất lớn "Black Lives Matter" trên một con phố rộng bên ngoài Nhà Trắng, và địa điểm này trở thành tụ điểm phổ biến cho các cuộc biểu tình. Trong nhiều tháng, tình trạng đụng độ giữa các nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc và những người biểu tình ủng hộ ông Trump đã khiến thành phố trở nên căng thẳng.

Sau khi xảy ra vụ bạo loạn tại Đồi Capitol hôm 6/1, các tuyến đường và vỉa hè quanh tòa Bạch Ốc đã bị phong tỏa. Người dân không được phép đến gần nơi ở của Tổng thống Trump. Xe cảnh sát nháy đèn cảnh báo cả ngày lẫn đêm, chốt chặn những con phố thường đông đúc xe cộ. Trong khi đó, những hàng rào thép cao được dựng lên xung quanh các tòa nhà chính phủ, chẳng hạn như trụ sở Bộ Tài chính. 

Tại trụ sở Quốc hội, lực lượng an ninh xuất hiện dày đặc cùng rào chắn kiên cố. Việc triển khai binh sĩ tại thủ đô đã tăng lên theo từng ngày trước thềm lễ nhậm chức của ông Joe Biden. Sự kiện này không cho phép người dân tập trung đông đúc hai bên đường để theo dõi như thường lệ. Thay vào đó, các nhân viên an ninh đội mũ bảo vệ và áo bảo hộ sẽ túc trực tại đây ít nhất cho đến qua ngày 20/1. Cảnh tượng này khiến Washington trở nên “quân sự hóa” khác thường. 

Xem video lực lượng Vệ binh Quốc gia được triển khai tại trụ sở Quốc hội Mỹ (nguồn: Daily Mail)

 

Chú thích ảnh
Người dân không được đến gần trụ sở Bộ An ninh Nội địa Mỹ. Ảnh: UPI

 

Chú thích ảnh
Xe cảnh sát xuất hiện tại nhiều tuyến phố ở Washington. Ảnh: EPA

 

Chú thích ảnh
Phương tiện bị cấm lưu thông tại mặt phía Tây của tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: EPA

 

Chú thích ảnh
Các khu vực gần trụ sở chính phủ Mỹ đều bị lập rào phong tỏa. Ảnh: Reuters
Hoàng Trang/Báo Tin tức
Chính trường Mỹ rối ren trước ngày ông Joe Biden nhậm chức
Chính trường Mỹ rối ren trước ngày ông Joe Biden nhậm chức

Đầu tiên là vụ người biểu tình xông vào tấn công Quốc hội Mỹ, hàng loạt quan chức từ chức. Tiếp đó là việc Hạ viện Mỹ thúc đẩy tiến trình luận tội, phế truất Tổng thống Donald Trump vì vai trò trong vụ xâm chiếm tòa nhà Quốc hội. Tất cả diễn ra trên nền đại dịch COVID-19 trầm trọng. Có thể thấy nước Mỹ đang rối ren, bị chia rẽ hơn bao giờ hết trước ngày ông Joe Biden nhậm chức 20/1.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN