Theo Kampuchea Thmey, nhận định của Thủ tướng Campuchia Hun Manet được nêu trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ 4 với chủ đề “Chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai và hiện đại hóa giữa các nước Mekong - Lan Thương”. Hội nghị diễn ra ngày 25/12 theo hình thức trực tuyến.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng trước những tiến bộ đáng ghi nhận trong khuôn khổ hợp tác Mekong - Lan Thương, đồng thời đánh giá những thành tựu đạt được trong 7 năm qua, mang lại nhiều kết quả và lợi ích rõ rệt trên mọi lĩnh vực thông qua việc triển khai thực hiện thành công kế hoạch hành động hợp tác Mekong - Lan Thương 5 năm, giai đoạn 2018-2022.
Các nhà lãnh đạo biểu dương Quỹ đặc biệt hợp tác Mekong - Lan Thương đã hỗ trợ hơn 700 dự án trong các lĩnh vực nước sạch, nông nghiệp, nâng cao năng lực, giảm nghèo, y tế, đề cao nữ quyền, văn hóa, tôn giáo và nhiều lĩnh vực khác, theo đề xuất của 6 quốc gia thành viên.
Các nhà lãnh đạo cũng hoan nghênh việc Quỹ đặc biệt hợp tác Mekong - Lan Thương phê duyệt các dự án của năm 2023, đồng thời kêu gọi tăng cường tính hiệu quả trong thực hiện các dự án liên quan để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống của người dân ở cả 6 quốc gia.
Trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Campuchia Hun Manet bày tỏ hài lòng với những thành tựu đạt được trong hợp tác Mekong - Lan Thương, đặc biệt là những thành quả đạt được từ việc triển khai thực hiện 89 dự án tại Campuchia thuộc Quỹ đặc biệt Mekong - Lan Thương kể từ năm 2017.
Về định hướng phát triển hợp tác Mekong - Lan Thương trong tương lai, Thủ tướng Hun Manet nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai, hòa bình và thịnh vượng giữa các quốc gia ở khu vực Mekong-Lan Thương, ủng hộ "Vành đai phát triển kinh tế" lấy người dân làm trung tâm, tăng cường chuỗi cung ứng trong tiểu vùng và kết nối chuỗi giá trị toàn cầu thông qua tăng cường kết nối khu vực và hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, cũng như thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số trong hợp tác kinh tế xuyên biên giới và khả năng cạnh tranh lâu dài của khu vực.
Theo bài viết, Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ 4 đã kết thúc thành công với việc thông qua 3 văn kiện quan trọng bao gồm Tuyên bố Nay Pyi Taw của Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ 4, Kế hoạch hành động 5 năm về hợp tác Mekong - Lan Thương giai đoạn 2023-2027 và Sáng kiến chung về phát triển hành lang đổi mới sáng tạo Mekong - Lan Thương. Đây là những văn kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần thúc đẩy phát triển hơn nữa khu vực Mekong - Lan Thương.
Trước đó, chiều 25/12, trang tin Fresh News đưa tin về Hội nghị trên với tiêu đề “Thủ tướng Hun Manet tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương”, khẳng định đây là sự kiện quan trọng đối với các quốc gia thành viên Mekong - Lan Thương nhằm hướng tới các mục tiêu chung trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở tiểu vùng, đồng thời thúc đẩy hợp tác Mekong - Lan Thương phát triển hơn nữa thông qua việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động 5 năm về hợp tác Mekong - Lan Thương.
Theo Fresh News, Hợp tác Mekong-Lan Thương là cơ chế hợp tác giữa 5 nước dọc sông Mekong bao gồm Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam và sông Lan Thương của Trung Quốc. Khuôn khổ hợp tác này được cố Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khởi xướng tại Hội nghị Cấp cao Trung Quốc-ASEAN lần thứ 17 vào ngày 13/11/2014 tại Myanmar, trên cơ sở sáng kiến đề xuất của Thái Lan về phát triển bền vững tiểu vùng Mekong - Lan Thương vào năm 2012.
Cơ chế Hợp tác Mekong - Lan Thương bao gồm nhiều hội nghị được chia thành 4 cấp. Trong đó, hội nghị của nhóm công tác được tiến hành một hoặc hai lần trong một năm và trong trường hợp cần thiết, hội nghị quan chức cấp cao được tiến hành mỗi năm một lần và trong trường hợp khi cần thiết, hội nghị Bộ trưởng ngoại giao được tổ chức mỗi năm một lần và hội nghị cấp cao được tổ chức hai năm một lần.
Hội nghị Mekong-Lan Thương được tổ chức với Trung Quốc là đồng chủ trì thường trực, cùng các quốc gia khu vực Mekong luân phiên đồng chủ trì theo thứ tự bảng chữ cái. Khuôn khổ Hợp tác tiểu vùng này được thiết lập và hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, cởi mở, hội nhập, bình đẳng, tham vấn và phối hợp, tình nguyện đóng góp và lợi ích chung, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, nhằm thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực, xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai, hòa bình và thịnh vượng, duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy phát triển trong khu vực.
Sông Mekong - Lan Thương có tổng chiều dài khoảng 4.880 km, chảy qua 6 quốc gia bao gồm Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, trải dài trên lưu vực rộng 795.000 km2, tích trữ và cung cấp nguồn nước cho khoảng 326 triệu dân trong khu vực tiểu vùng Mekong - Lan Thương.