Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Merkel đã đề cập một số nội dung ưu tiên khi Đức đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu 6 tháng cuối năm 2020, trong đó nhấn mạnh cần nhanh chóng giải quyết những thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra đối với châu Âu. Thủ tướng Đức nêu rõ, đại dịch COVID-19 đặt ra thách thức lớn nhất trong lịch sử EU và việc giải quyết cuộc khủng hoảng này ra sao sẽ quyết định vai trò của châu Âu trên thế giới. Bà nhận định cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra đã cho thấy dự án châu Âu còn khá mong manh, trong đó tất cả các nước châu Âu khi bắt đầu phản ứng hầu như chỉ quan tâm đến quốc gia riêng và xu hướng này cũng có cả ở Đức.
Theo Thủ tướng Merkel, đây là điều "không hợp lý", vì đại dịch toàn cầu chỉ có thể ứng phó với một câu trả lời chung. Nhà lãnh đạo Đức cảnh báo hậu quả của khủng hoảng có nguy cơ làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng vốn có trong EU và "chưa bao giờ sự gắn kết và tương trợ lẫn nhau lại quan trọng ở châu Âu như hiện nay". Bà cho biết Berlin sẽ nỗ lực để gói hỗ trợ sẽ được nhanh chóng quyết định, có thể trước kỳ nghỉ Hè này. Thủ tướng Merkel cũng kêu gọi các nước EU đàm phán trên tinh thần sẵn sàng thỏa hiệp liên quan gói cứu trợ. Theo bà, đây chính là công cụ để chống lại sự chia rẽ và lực lượng cấp tiến, cực đoan ở châu Âu, vốn lợi dụng khủng hoảng để kích động xã hội, reo rắc những bất ổn và chính trị hóa vấn đề.
Ngoài vấn đề trên, Thủ tướng Merkel cũng kêu gọi "Lục địa Già" cần đảm nhận trách nhiệm toàn cầu lớn hơn. Bà nhấn mạnh châu Âu và Trung Quốc nằm trong số trọng tâm chính sách đối ngoại khi Đức giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu. Hiện các nước châu Phi đang phải đối mặt với những hậu quả lớn về kinh tế và xã hội do đại dịch COVID-19. EU và Liên minh châu Phi (AU) sẽ tận dụng hội nghị thượng đỉnh vào tháng Mười tới để tìm câu trả lời chung cho những vấn đề này. Bà cũng cho biết châu Âu muốn đối thoại cởi mở với Trung Quốc về những vấn đề cùng quan tâm, đồng thời cho rằng việc phải hoãn Hội nghị Thượng đỉnh EU-Trung Quốc được lên kế hoạch trong tháng Chín tới ở Leipzig là điều "cực chẳng đã" và sẽ được lên kế hoạch lại. Thủ tướng Merkel cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách thống nhất giữa 27 nước EU đối với đối tác chiến lược như Trung Quốc.
Trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu, Thủ tướng Đức cũng nhấn mạnh sẽ thúc đẩy các mục tiêu bảo vệ khí hậu với mục đích đưa châu Âu trở thành châu lục trung lập về carbon vào năm 2050 cũng như điều chỉnh phù hợp các mục tiêu tới năm 2030. Mục tiêu cho đến nay là giảm 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với năm 1990, song mục tiêu mới sẽ tăng con số này lên mức từ 50-55%. Thủ tướng Đức coi Thỏa thuận Xanh châu Âu của Ủy ban EU là yếu tố "trung tâm" cho sự phục hồi của nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng COVID-19 và đây cũng là cơ hội lớn cho các công ty châu Âu.