Theo ông Scholz, phụ nữ chiếm hơn một nửa xã hội và điều này phải được phản ánh trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là tiền lương.
Đồng quan điểm trên, Bộ trưởng Lao động và Các vấn đề xã hội liên bang Đức Hubertus Heil đánh giá đại dịch COVID-19 đã một lần nữa cho thấy vai trò quan trọng của phụ nữ đối với nước Đức, tuy nhiên, điều này lại không được phản ánh qua tiền lương. Ông cho rằng không thể để tình trạng này tiếp tục diễn ra.
Những lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh Văn phòng Thống kê liên bang Đức (Destatis) ngày 7/3 công bố số liệu cho thấy trong năm 2021, thu nhập trung bình theo giờ của phụ nữ ở Đức thấp hơn 18% so với nam giới. Trong báo cáo nhân dịp kỷ niệm “Ngày trả lương bình đẳng”, Destatis nêu rõ tổng thu nhập trung bình theo giờ của phụ nữ ở Đức là 19,12 euro (20,8 USD), thấp hơn 4,08 euro (4,45 USD) so với nam giới.
Trong 1 năm qua, khoảng cách về lương theo giới ở Đức đã giảm 0,08 euro. Ngoài ra, khi so sánh về bằng cấp, nghề nghiệp và lịch sử làm việc, khoảng cách lương theo giới có thu hẹp nhưng thu nhập trung bình của phụ nữ vẫn thấp hơn nam giới 6%. Tuy nhiên, Destatis lưu ý chênh lệch tiền lương theo giới chủ yếu do các yếu tố về cơ cấu khi phụ nữ có xu hướng làm việc ít thời gian hơn và làm những công việc được trả lương thấp hơn.
Một báo cáo gần đây của Đại hội Công đoàn Thương mại (TUC), tổ chức công đoàn lớn nhất ở Anh và xứ Wales, cho biết khoảng cách trả lương theo giới ở Anh là 15,4%. Nói cách khác, so với nam giới, mỗi năm, phụ nữ ở Anh trung bình có 56 ngày làm việc hiệu quả mà không được trả lương.
Tổng Thư ký TUC Frances O'Grady cho biết: "Thật sốc khi phụ nữ vẫn chưa được trả lương bình đẳng. Với tốc độ tiến bộ như hiện nay, phải mất gần 30 năm nữa để thu hẹp khoảng cách lương theo giới".