Phóng viên TTXVN tại Tokyo dẫn truyền thông Nhật Bản cho biết, phát biểu tại phiên họp toàn thể thứ hai về “Cải cách thể chế quản trị toàn cầu”, Thủ tướng Ishiba cho biết, thế giới hiện đang ở một bước ngoặt của lịch sử và để thúc đẩy hợp tác của cộng đồng quốc tế hợp tác trong thời điểm phức tạp này, thì việc duy trì và củng cố trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên luật lệ cũng như xây dựng nền quản trị toàn cầu chia sẻ trách nhiệm là chìa khóa quan trọng.
Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản cho biết, thời gian qua, HĐBA LHQ dường như đã không thể giải quyết những thách thức hiện tại và cộng đồng quốc tế đã nhất trí tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai về tính cấp bách của việc cải tổ cơ quan này. Nhật Bản ủng hộ việc mở rộng cả tư cách ủy viên thường trực và không thường trực của HĐBA LHQ. Các cuộc thảo luận cụ thể cần được tiến hành càng sớm càng tốt và Nhật Bản sẽ góp phần tăng cường các chức năng của LHQ, bao gồm cả cải tổ HĐBA, cũng như xem xét vai trò của Đại hội đồng LHQ.
Thủ tướng Nhật Bản cũng bày tỏ quan ngại về tình hình ở Ukraine, tình hình ở bán đảo Triều Tiên cũng như xung đột tại Trung Đông, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế tối đa và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có luật nhân đạo quốc tế.
Về tài chính phát triển đa phương, nhà lãnh đạo Nhật Bản bày tỏ hoan nghênh lộ trình của các ngân hàng phát triển đa phương (MDB) đã được các Bộ trưởng tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nhất trí. Trong cải cách MDB, điều quan trọng là tận dụng tối đa nguồn vốn hiện có của mỗi tổ chức và mở rộng thêm điều kiện cho vay. Nhật Bản đã đóng góp vào việc này thông qua nhiều biện pháp như cung cấp bảo lãnh cho Ngân hàng Thế giới. Điều quan trọng là MDB phải hỗ trợ các quốc gia đi vay có thể tăng cường huy động vốn tư nhân và vốn trong nước.
Về nợ của các nước đang phát triển, Thủ tướng Ishiba nhấn mạnh cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nợ theo khuôn khổ của G20 và đảm bảo hơn nữa tính minh bạch về nợ. Nhật Bản sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ cần thiết để giải quyết các vấn đề mà các nước đang phát triển phải đối mặt.
Về cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Thủ tướng Nhật Bản cho biết, trong thương mại quốc tế nơi quá trình số hóa đang diễn ra nhanh chóng, thì cải cách WTO là một vấn đề cấp bách, đặc biệt là cần phải khôi phục chức năng giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả.