Doanh nghiệp Mỹ đang giảm nhập hàng hóa Trung Quốc, nhưng họ cũng không trông đợi vào các nhà sản xuất trong nước, mà né lệnh trừng phạt thuế của Tổng thống Trump bằng cách tìm đến các nhà cung cấp khác ở châu Á.
Xu hướng này đã nổi lên mạnh mẽ trong hơn một năm qua, khi các cuộc đàm phán giữa Washington và Bắc Kinh chưa khai thông được căng thẳng thương mại giữa hai nước. Kênh CNN dẫn số liệu do Cục Thống kê Mỹ công bố ngày 3/7 cho biết, trong 5 tháng đầu năm nay, Mỹ đã nhập khẩu lượng hàng hóa từ Trung Quốc ít hơn 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào Mỹ tăng tới 36%, từ Đài Loan (Trung Quốc) tăng 23%, từ Bangladesh tăng 14% và từ Hàn Quốc tăng 12%.
Chính sách thuế của Tổng thống Trump đã khiến nhiều loại hàng hóa tiêu dùng sản xuất tại Trung Quốc như mũ bóng chày, va-li, xe đạp, túi xách trở nên đắt đỏ với các nhà nhập khẩu Mỹ. Thuế nhập khẩu cao cũng đánh vào một loạt các loại máy móc, hàng hóa công nghiệp, trong đó có các linh kiện máy rửa bát, máy giặt, máy sấy và máy lọc nước.
Tuần trước, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã trở lại và Bộ thương mại Mỹ tạm hoãn áp thuế mới đánh lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.
Tuy nhiên hiện tại, lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá khoảng 200 tỉ USD nhập vào Mỹ đang chịu mức thuế 25%, so với mức 10% trước tháng 5/2019. Nếu đàm phán tiếp tục đổ vỡ, chính quyền Tổng thống Trump dự kiến áp thuế mới lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc còn lại, trong đó có điện thoại thông minh, đồ chơi, giày dép và hải sản.
Ông Trump tự tin cho rằng Bắc Kinh sẽ đồng ý với thỏa thuận thương mại bởi các đòn thuế mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc đang khiến các doanh nghiệp kinh doanh tại nước này chật vật. “Trung Quốc chắc chắn sẽ bị ‘tiêu hao’ bởi các công ty đang rời bỏ nước này để tới các quốc gia khác, trong đó có các doanh nghiệp của chúng ta”, Tổng thống Mỹ trả lời phỏng vấn kênh CNBC hồi tháng 6. Song hiện chưa rõ các công ty có thực sự chuyển dịch sản xuất hoàn toàn khỏi Trung Quốc, hay chỉ đơn giản là tìm đường vòng cho hàng hóa để xuất khẩu sang Mỹ.
Theo CNN, không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm được các nhà cung cấp ngoài Trung Quốc có thể sản xuất cùng loại hàng hóa, với cùng chất lượng và giá rẻ hơn. Đó là một quá trình có thể mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Thay vào đó, một nhà nhập khẩu Mỹ có thể quyết định chấp nhận gánh chi phí, đánh cược vào khả năng Tổng thống Trump sẽ sớm dỡ bỏ đòn thuế quan. Họ cũng có có thể lựa chọn tăng giá để người tiêu dùng Mỹ gánh đỡ một phần tổn thất trong lúc chờ chính sách thuế thay đổi.
Có thể lấy ví dụ như công ty Cap America có trụ sở tại bang Missouri, là nơi nhập khẩu phần lớn mũ bóng chày từ Trung Quốc và phân phối trên khắp nước Mỹ. Công ty này đang thử tìm một nhà cung cấp mới ở Bangladesh để né thuế, nhưng những đơn đặt hàng tại Bangladesh cũng chỉ đáp ứng khoảng 20% tổng lượng hàng nhập khẩu trong năm nay, trong thời gian Cap America còn thử nghiệm chất lượng. “Anh không thể chỉ giơ ngón tay và bấm nút sản xuất. Đó là một quy trình chặt chẽ”, CEO của Cap America Phil Page nói.
Khoảng 40% các công ty tham gia cuộc thăm dò hồi tháng 5 do Phòng Thương mại Mỹ và đối tác tại Thượng Hải tổ chức cho biết họ đang cân nhắc, hoặc đã di dời một số hoạt động sản xuất ra ngoài Trung Quốc do chính sách tăng thuế của Washington. Với những doanh nghiệp đã di dời sản xuất, khoảng 1/4 hoạt động được chuyển tới Đông Nam Á. Trong khi đó chỉ có không đầy 6% công ty cho biết họ đã di dời hoặc đang cân nhắc chuyển sản xuất tới Mỹ.
Hoạt động nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia ngoài Trung Quốc đã tăng mạnh trong năm nay, nhưng trên thực tế nhiều doanh nghiệp đã chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc từ lâu trước khi Tổng thống Trump bắt đầu chính sách siết chặt thuế. Nhập khẩu của Mỹ từ các quốc gia như Việt Nam, Hàn Quốc đã tăng đều trong một thập kỷ qua, khi các nước này tăng cường sản xuất các mặt hàng thời trang và đồ điện tử.
Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc thì tập trung nhiều hơn vào hàng hóa công nghệ cao như thiết bị bán dẫn, trong khi Việt Nam và Bangladesh có lợi thế cạnh tranh là giá nhân công rẻ, đang chiếm ưu thế ở các mặt hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép.