Dự luật được thông qua với 167 phiếu ủng hộ và 78 phiếu phản đối. Dự luật ngân sách này sau đó sẽ được đưa tới Hạ viện xem xét trong khoảng thời gian sau Giáng sinh và trước Năm mới.
Hồi tháng 10 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) lần đầu tiên trong lịch sử đã bác bỏ dự luật ngân sách do Chính phủ Italy đề xuất vì cho rằng dự thảo này vi phạm kỷ luật tài chính của EU và có khả năng làm tăng khoản nợ công rất cao của Rome. Vấn đề ngân sách sau đó đã gây ra căng thẳng giữa Italy và EU khi Rome liên tục tuyên bố sẽ không điều chỉnh dự luật, bất chấp yêu cầu của Brussels. EC thậm chí từng cân nhắc khả năng kích hoạt quy trình phạt một thành viên vì vi phạm quy định ngân sách, khiến Italy có thể phải đối mặt với khoản phạt tương đương 0,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Về phần mình, Italy đã nhiều lần kêu gọi EU linh hoạt hơn đối với kế hoạch ngân sách trên, do nước này phải chi nhiều tiền để khắc phục hậu quả đợt thiên tai mới đây, cũng như vụ sập cầu tại Genoa (Giê-noa) hồi tháng 8 vừa qua. Thâm hụt ngân sách năm 2019, theo dự thảo ngân sách mà Italy đề xuất trước đó, lên tới 2,4% GDP, tức là cao gấp 3 lần mục tiêu của chính phủ cánh tả tiền nhiệm (0,8% GDP).
Hôm 19/12 vừa qua, EU và Italy cuối cùng đã đạt thỏa thuận sau quá trình đàm phán quyết liệt trong bối cảnh ngày càng nhiều lo ngại rằng căng thẳng kéo dài sẽ ảnh hưởng tới thị trường và nhen nhóm một cuộc khủng hoảng nợ công tại nền kinh tế lớn thứ ba trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone).
Các cuộc đàm phán tập trung vào điều chỉnh thâm hụt cấu trúc bao gồm tất cả các khoản chi tiêu công trừ đi các khoản thanh toán nợ. Theo thỏa thuận, Italy nhất trí cắt giảm một số chi phí cơ bản và cam kết trong năm tới sẽ chỉ duy trì nợ công ở mức tối đa khoảng 2 nghìn tỷ euro như hiện nay. Thâm hụt ngân sách trung bình sẽ được điều chỉnh xuống mức 2,04% GDP. Nợ công của Italy là một vấn đề lớn, hiện đang ở mức khoảng 2,3 nghìn tỷ euro (2,6 nghìn tỷ USD), tương đương 131% GDP, cao hơn rất nhiều so với mức trần 60% theo yêu cầu của EU.