Động thái này có thể làm xấu đi mối quan hệ giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ, nước vốn phản đổi một sự xác định như vậy trong nhiều thập kỷ qua.
Thượng nghị sĩ Bob Menendez, người bảo trợ cho nghị quyết trên, nêu rõ: “Chúng tôi vừa thông qua nghị quyết về tội diệt chủng người Armenia... và hành động này rất phù hợp và thỏa đáng, cho thấy Thượng viện đã đứng về lẽ phải của lịch sử, xác định sự thật về tội diệt chủng người Armenia”.
Phản ứng trước động thái trên, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã ra tuyên bố nhấn mạnh: “Các sáng kiến như vậy không có tác dụng nào ngoài việc gây phương hại đến quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ”.
Trước đó, với 405 phiếu thuận và 11 phiếu chống, Hạ viện Mỹ ngày 29/10 đã ủng hộ biện pháp "xác nhận hồ sơ của Mỹ về tội diệt chủng người Armenia".
Những tranh cãi lịch sử xung quanh vụ thảm sát người Armenia thời Chiến tranh Thế giới thứ nhất vẫn phủ bóng đen lên quan hệ giữa Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ. Armenia cho rằng có khoảng 1,5 triệu công dân nước này đã bị giết hại trong cuộc chiến tranh này. Trong khi đó, Ankara vẫn luôn bác bỏ cáo buộc về vụ thảm sát, cầm tù và trục xuất người Armenia từ năm 1915 và sau đó leo thang thành vụ diệt chủng dưới thời Đế chế Ottoman ngày 24/4/1915.
Trước Mỹ, đã có Pháp cùng trên 20 nước công nhận đây là vụ diệt chủng người Armenia.