Theo nguồn tin, Thụy Điển, mang theo hòn đảo chiến lược Gotland gia nhập NATO, sẽ mở ra các tuyến đường tiếp tế và tăng viện mới cho khối này. Tờ Financial Times chỉ ra rằng các thành viên NATO có thể sử dụng các tuyến đường này như một trung tâm vận tải, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phòng thủ của Estonia, Latvia và Litva - những quốc gia trước đây dựa vào Hành lang Suwalki, dải đất hẹp ngăn cách các nước Baltic với Ba Lan.
“Biển Baltic đang trở thành 'hồ nước' của NATO. Điều này làm giảm tính dễ bị tổn thương của vùng Baltic nhờ Hành lang Suwalki. Toàn bộ an ninh của khu vực được cũng củng cố mạnh mẽ hơn khi phía đông Baltic ít bị tổn thương hơn”, tờ Financial Times dẫn lời Ngoại trưởng Latvia Krisjanis Karins cho biết.
Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt nhấn mạnh việc gia nhập NATO của nước này và Phần Lan cũng sẽ cho phép liên minh coi Bắc Âu như một khu vực lớn, không có lỗ hổng trên bản đồ. Từ Narva ở Estonia đến Nuuk ở Greenland theo hướng đông - tây và Kirkenes ở Na Uy đến Krakow ở Ba Lan theo hướng bắc - nam.
Như vậy, sau hơn 2 năm chờ đợi gia nhập NATO và hơn 200 năm không tham gia liên kết quân sự, Thụy Điển đã được tất cả các thành viên của NATO chấp nhận yêu cầu gia nhập khối.
Hôm 26/2, Quốc hội Hungary đã phê chuẩn việc Thụy Điển gia nhập NATO. Quốc kỳ của quốc gia Bắc Âu này sẽ được kéo lên tại trụ sở NATO ở Brussels vào ngày 11/3. Hungary là quốc gia NATO cuối cùng phê chuẩn nghị định thư thành viên NATO của Thụy Điển. Phần Lan và Thụy Điển chính thức được mời tham gia liên minh tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid vào tháng 6/2022.
Các nhà quan sát nhận định việc Thuỵ Điển gia nhập liên minh do Mỹ dẫn đầu cũng sẽ tạo ra thay đổi rõ rệt về cả quốc phòng của Thụy Điển, và cán cân địa chính trị trong khu vực.