Trước thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, TikTok đã nhận được sự quan tâm của đông đảo giới trẻ trên thế giới nhờ các màn vũ đạo nổi tiếng đi kèm các bản nhạc sôi động. Khi đại dịch hoành hành, nhiều quốc gia thực thi lệnh phong tỏa, trường học phải đóng cửa, nền tảng này lại càng tạo sức hút lớn. Trước tháng 7/2020, TikTok có khoảng 700 triệu người dùng hằng tháng. Kể từ thời điểm đó đến nay, TikTok đã thu hút thêm hơn 300.000 tài khoản mới, nâng tổng số người dùng hằng tháng lên trên 1 tỷ người. Chỉ riêng tại Mỹ, bất chấp những lệnh cấm dưới thời Tổng thống Donald Trump, lượng người dùng ứng dụng này đạt hơn 100 triệu người.
Trong video cảm ơn người dùng ngày 27/9, Tổng giám đốc TikTok, Vanessa Pappas nhấn mạnh: "Cảm ơn các bạn vì đã biến TikTok trở thành một nơi thực sự đặc biệt!".
Với cột mốc mới nói trên, TikTok đã vượt xa các mạng xã hội khác và chỉ xếp sau Facebook về số người dùng hằng tháng trên các nền tảng trực tuyến. Mạng xã hội của Mark Zuckerberg hiện đứng đầu với 2,7 tỷ người dùng hoạt động mỗi tháng trên toàn cầu.
ByteDance phát hành TikTok vào tháng 8/2018 trên thị trường quốc tế, trong khi phiên bản Douyin cho thị trường Trung Quốc ra đời sớm hơn từ 2016. TikTok là nền tảng tập trung vào các video ngắn do người dùng tải lên. Hướng đi khác biệt này khiến các "ông lớn" khác cũng học theo và cho ra mắt tính năng tương tự. Instagram giới thiệu Reels vào tháng 8/2020, Snapchat ra Spotlight vào tháng 11/2020, trong khi YouTube cũng tham gia với tính năng Shorts đầu năm nay.
Ban đầu các video của TikTok được tạo ra dựa trên nguyên tắc 15 giây. Sau đó vào tháng 7 năm nay, nền tảng này đã điều chỉnh nâng thời lượng cho mỗi video lên 3 phút để tạo sự cuốn hút, nhằm tăng lượng người truy cập và cũng nhằm tăng tính cạnh tranh với Youtube. TikTok cũng đã tăng tốc quảng cáo vào năm ngoái và vào cuối tháng 8 năm nay đã "trình làng" một tính năng mới cho phép người dùng trực tiếp mua các sản phẩm do người tạo nội dung cung cấp trên nền tảng.